00:00 Số lượt truy cập: 3064654

Lợn bệnh ở Hải Dương do mắc hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản 

Được đăng : 03/11/2016
Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, cho biết, đàn lợn bệnh khởi phát ở Hải Dương vào tháng 3 năm nay bị mắc hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản. Cục Thú y nhận xét, rối loạn sinh sản hô hấp ở lợn không phải là bệnh lạ ở lợn mà là do bệnh chưa từng xuất hiện ở một số địa phương.

Bệnh do virus Lelystad gây ra. Virus này tồn tại trong dịch mũi, nước bọt, tinh dịch, phân, nước tiểu và có thể phát tán theo gió (đi xa tới 3 km) và thông qua việc tiếp xúc, vận chuyển lợn bệnh.

Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương đã xuống tận Hải Dương trực tiếp lấy mẫu, cùng với các chuyên gia nước ngoài, tiến hành xét nghiệm. Các mẫu đều cho kết quả dương tính với bệnh.

Đến nay, theo Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, đã có Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa xác định có lợn bệnh. Hải Phòng, Bắc Giang và Lào Cai vừa gửi mẫu bệnh phẩm về vì lợn cũng chết hàng loạt, sau khi bỏ ăn, sốt, sảy thai...

Tại Việt Nam, theo cảnh báo của ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), nếu không kiểm soát tốt, dịch bệnh có thể lây lan rất nhanh. Đến nay, chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định bệnh sẽ lây truyền đến người nếu ăn phải thịt lợn bệnh. Tuy nhiên, ông Quang Anh cũng đưa ra khuyến cáo, người dân cũng không nên ăn loại thịt đã nhiễm bệnh này.


Bệnh được ghi nhận lần đầu tiên ở Mỹ vào khoảng năm 1987. Sau đó bệnh lây lan rộng trên toàn thế giới. Năm 1992, Hội nghị quốc tế về bệnh này được tổ chức tại St. Paul, Minnesota đã nhất trí dùng tên Hội chứng hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS) và đã được Tổ chức Thú y Thế giới công nhận.

Ở Việt Nam, bệnh được phát hiện vào năm 1997 trên đàn lợn nhập từ Mỹ (10/51 con có huyết thanh dương tính). Các nghiên cứu về bệnh trên những trại lơn giống tại các tỉnh phía Nam cho thấy tỷ lệ lợn có huyết thanh dương tính với bệnh rất khác nhau, từ 1,3% cho tới 68,29%. Ở các nước khác, tỷ lệ đàn trong vùng bệnh có huyết thanh dương tính rất cao, như ở Anh là 60-75%, Mỹ là 36%,..          

Lúc đầu, người ta cho rằng một số virus như Parvovirus, vi rút giả dại (Pseudorabies), vi rút cúm lợn, Porcine enterovirus, đặc biệt virus gây viêm não - cơ tim (Encephalomyocarditis) gây nên. Sau đó, người ta đã xác định được một loại vi rút mới, được gọi là vi rút Lelystad, phân lập được từ các ổ dịch ở Hà Lan, là nguyên nhân chính gây ra hội chứng trên. Vi rút có cấu trúc ARN, thuộc họ Togaviridae, gần giống với virus gây viêm khớp ở ngựa (EAV), Lactic Dehydrogenase virus của chuột (LDH) và virus gây sốt xuất huyết trên khỉ (SHF).         

Vi rút rất thích hợp với đại thực bào đặc biệt là đại thực bào hoạt động ở vùng phổi. Do vậy, khi đã xuất hiện trong đàn, chúng thường có xu hướng duy trì sự tồn tại và hoạt động âm thầm. Điều này có thể thấy rõ ở những đàn vỗ béo hoặc chuẩn bị giết thịt có sự tăng đột biến về tỷ lệ viêm phổi.

Vi rút có trong dịch mũi, nước bọt, tinh dịch (trong giai đoạn nhiễm trùng máu), phân, nước tiểu và phát tán ra môi trường.

Vi rút có thể phát tán thông qua các hình thức: vận chuyển lợn mang trùng, theo gió (có thể đi xa tới 3 km), bụi, bọt nước, dụng cụ chăn nuôi và dụng cụ bảo hộ lao động nhiễm trùng, thụ tinh nhân tạo và có thể do một số loài chim hoang.


Cục Thú y khuyến cáo người chăn nuôi không nên hoang mang. Khi phát hiện có bệnh, cần báo cho cán bộ thú y cơ sở. Chủ động phòng bệnh bằng cách áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, chuồng trại phải thoáng mát về mùa hè, ấm vào mùa đông, tăng cường chế độ dinh dưỡng, mua lợn giống từ những cơ sở đảm bảo, thiết lập hệ thống chuồng nuôi cách ly ít nhất 8 tuần, hạn chế khách tham quan, sử dụng bảo hộ lao động, không mượn dụng cụ chăn nuôi của các trại khác, thực hiện “cùng nhập, cùng xuất” lợn và để trống chuồng, thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi,.. Một biện pháp hiệu quả là tiêm phòng vắc xin. Hiện có vắc xin nhược độc dùng cho lợn con sau cai sữa, lợn nái không mang thai, lợn hậu bị. Vắc xin chết dùng cho lợn giống cũng đem lại hiệu quả phòng bệnh cao

Ngày 12/4 tới, Cục Thú y sẽ họp bàn với các nhà quản lý, chuyên gia chăn nuôi để tìm chính xác nguyên nhân dịch bệnh.