00:00 Số lượt truy cập: 3076880

Lợn được giá, người chăn nuôi lỡ đà 

Được đăng : 03/11/2016
Lợn hơi xuất chuồng hiện đang được giá, với mức lãi đạt hơn 1 triệu đồng/tạ bán ra. Thế nhưng, người chăn nuôi lợn ở nhiều địa phương lại lỡ đà trước cơ hội quý báu này.

“Bão giá” lợn hơi xuất chuồng

Suốt một thời gian dài, từ tháng 6 đến trung tuần tháng 10/2010, lợn sữa, lợn hơi xuất chuồng ở Hải Dương chỉ giao động ở mức 24.000 - 26.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi luôn ngật ngưỡng ở mức 8.500 đồng/kg, tăng hơn 30% so với thời điểm tháng 5/2010. Theo các chuyên gia, muốn có 1kg lợn hơi phải tiêu tốn từ 3,2 - 3,5kg thức ăn. Với cách tính này, cứ bán ra một tạ lợn hơi, người chăn nuôi lỗ 320.000 - 370.000 đồng, chưa tính khấu hao chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và công lao động.

Mãi đến cuối tháng 10, lợn xuất chuồng mới nhúc nhích tăng giá, đạt 28.000 - 30.000 đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi lợn vẫn chịu cảnh hòa. Vì tuy giá lợn tăng nhưng không đỡ được sự leo thang của giá thức ăn chăn nuôi. Anh Nguyễn Văn Thụy, thợ giết mổ lợn chuyên nghiệp ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) cho biết: “Cách đây vài tháng, giá lợn hơi ổn định, ngoài số vốn bảo đảm giết mổ 10 con/ngày, tôi còn phải huy động hơn 100 triệu đồng mua giúp lợn cho người nuôi, tập kết về nhà mình nhốt lại để mổ dần. Những lúc như vậy vừa mua được lợn ngon, dễ bán; lại vừa có công giết mổ. Nhưng thời gian gần đây, giá lợn hơi tăng vùn vụt, lại hiếm hàng nên lời lãi chẳng đáng bao nhiêu”.

Anh Nguyễn Văn Chức, người nuôi lợn ở xã Nam Hưng (Nam Sách) tiếc nuối: “Tuần trước, gia đình tôi xuất bán hơn 5 tấn lợn hơi giá 34.000 đồng/kg. Những tưởng đã có lãi khá, bù lại phần nào thua lỗ trước đây. Nào ngờ sang đến tuần này, mỗi ngày lợn lại lên một giá mới. Hiện ở xã tôi lợn hơi đang bán với giá 42.000 đồng/kg. Chỉ bán sớm 1 tuần, tôi đã mất không 40 triệu đồng”. Chung tâm trạng trên, chị Bùi Thị Thủy ở xã Thượng Quận (Kinh Môn) xuất bán 4,2 tấn lợn sữa với giá 37.000 đồng/kg ngày hôm trước, thì đến hôm sau, người hàng xóm xuất với giá 39.500 đồng/kg.

Chị Hoàng Thị Bía, thương lái ở xã Đồng Lạc (thị xã Chí Linh) chuyên mua gom lợn sữa, lợn thịt chuyển đi Quảng Ninh và Hải Phòng khoe: “Mừng quá anh ạ! Chưa bao giờ trong suốt 6 năm buôn bán lợn, chúng em thu lãi lớn như 1 tuần nay. Bởi vì em thường gom hàng hôm trước, hôm sau mới đem đi bán, có hôm lãi đến 5.000 đồng/kg lợn hơi. Mỗi chuyến em mua gom 2 - 2,5 tấn lợn. Hôm lãi nhiều nhất được tới 12 triệu đồng”.

Người chăn nuôi hụt hẫng

Chúng tôi ghé thăm trang trại của anh Nguyễn Văn Sơn ở xã ứng Hòe (Ninh Giang). Trang trại này đã thay chủ mới, khu chuồng nuôi vẫn còn nguyên, nhưng quy mô đàn chỉ có hơn 400 con, thay vì 1.200 con trước đây. Một người chăn nuôi lợn trong trang trại cho hay: “Ông chủ tôi mới mua lại trang trại này của anh Sơn. Phần vì cạn vốn, phần vì giá thức ăn tăng cao, giá bán lợn hơi cứ “lỳ” một chỗ, nên ông ấy dè dặt không dám tăng đàn. Đến khi giá nhích lên, ông ấy mới mua thêm lợn về nuôi. Nhưng lợn sữa “ khan” quá, suốt cả tuần nay chạy ngược chạy xuôi mà cũng chỉ mua được chưa đầy 100 con”.

Theo giới thiệu của người làm công, tôi tìm gặp anh Sơn. Anh đã có trang trại mới ở xã Đồng Tâm với diện tích, quy mô chuồng trại lớn hơn hẳn trang trại cũ. Anh bộc bạch: “Hồi còn làm trang trại ở ứng Hòe, thua lỗ nhiều quá, tôi không dám duy trì chăn nuôi lợn ngoại nữa, đành ngậm ngùi chuyển nhượng cho người khác. Vốn tập trung đầu tư hết vào trang trại này, nuôi gà đẻ trứng và cũng được an ủi chút ít vì còn có lãi. Tôi dự định sẽ dành một phần vốn để nuôi lợn trở lại. Song, chưa kịp thực hiện ý định thì lợn đã tăng giá vùn vụt”.

Theo kỹ sư Nguyễn Văn Cần, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Dương), tại thời điểm tháng 8/2010, người chăn nuôi trong tỉnh vẫn duy trì tổng đàn ở mức 600.000 con. Nhưng khi dịch tai xanh bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam, người chăn nuôi ở Hải Dương lo sợ dịch quay trở lại. Trên thị trường, lợn sữa, lợn thịt xuất chuồng bán ra dưới giá thành sản xuất, trong khi giá thức ăn chăn nuôi cứ vùn vụt tăng. Đó chính là nguyên nhân khiến nhiều hộ chăn nuôi lợn nái không còn mặn mà duy trì đàn; những hộ nuôi lợn thịt hoặc là nuôi cầm chừng với quy mô nhỏ, hoặc bỏ trống chuồng. Bởi vậy, khi lợn xuất chuồng được giá, thì tổng đàn lợn của tỉnh chỉ còn khoảng 300.000 con. Và thế là người chăn nuôi đành chấp nhận bị lỡ đà với cơ hội hiển hiện trước mắt.