00:00 Số lượt truy cập: 2997615

Lúa, cá ba sa, cao su tăng giá 

Được đăng : 03/11/2016

Liên tục những ngày qua, các mặt hàng nông, thủy sản đồng loạt tăng giá làm cho doanh nghiệp và nông, ngư dân phấn khởi.


Giá tăng liên tục

Trên cánh lúa đông xuân sớm vừa thu hoạch, lão nông Trần Văn Tư ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) khoe: “Vụ này nông dân trúng mùa, năng suất bình quân 7 tấn/ha. Vui nhất là lúa đang được giá, vừa làm xong đã có thương lái mua tận ruộng, trả tiền cái rột, sướng lắm”.

Cùng tâm trạng phấn khởi được mùa- được giá, ông Lưu Văn Bút, chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (Lấp Vò- Đồng Tháp) hồ hởi: “Hơn 1.190ha lúa đông xuân của HTX đang bắt đầu thu hoạch, trong đó trên 85% diện tích trồng lúa chất lượng cao. Giá lúa đang nhích lên từng ngày từ 4.000- 4.300đ/kg, riêng lúa thơm 5.000- 5.800đ/kg nên không khí vụ mùa rất sôi động”.

Người nuôi cá ở ĐBSCL vui mừng khi cá ba sa, cá tra tăng giá

Nhiều năm nay, Bình Thành là HTX nổi tiếng về chuyên canh lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; đặc biệt là lúa Jasmine được nhiều doanh nghiệp đặt mua dài hạn. Theo tính toán, lúa Jasmine vụ này nông dân lời đến 25 - 27 triệu đồng/ha; lúa thường lời khoảng 18 - 20 triệu đồng/ha.

Sở NN- PTNT Đồng Tháp cho biết, kế hoạch sản xuất vụ đông xuân năm nay là 205.000ha, tuy nhiên người dân gieo sạ hơn 207.000ha. Hiện tại, các huyện Tháp Mười, Tân Hồng, Hồng Ngự, Lấp Vò… đang thu hoạch sớm, trúng mùa và rất dễ bán. Tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang… giới thương lái xuôi ngược khắp các vùng nông thôn để thu mua lúa hàng hóa, đẩy giá tăng từng ngày.

Cùng với lúa thì giá cá tra, cá ba sa cũng đang tăng liên tục. Ông Chín Nhuận, ở xã Thới Thuận (Thốt Nốt; Cần Thơ) cho biết: “Doanh nghiệp và thương lái đang săn lùng ráo riết các hầm cá vừa tới lứa thu hoạch. Hơn 150 tấn cá của tôi được chào giá 16.200đ/kg và trả tiền ngay, đảm bảo có lời”.

Chuyên gia nuôi cá Võ Văn Đệ cho biết: “Vụ này người dân có thể gỡ nợ lại các đợt lỗ hồi năm ngoái. Hiện tại giá thành đã giảm xuống còn 11.000đ - 13.000đ/kg, trong khi doanh nghiệp thu mua từ 16.000đ - 16.500đ/kg và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới”.

Tại khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên… giá cao su cũng tăng cao. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, giá xuất khẩu đã nhích lên khoảng 1.500 USD/tấn, tăng từ 400 - 500 USD/tấn so thời điểm quý 4-2008.

Giá cao su đột ngột tăng cao khiến nhiều chuyên gia bất ngờ, nhưng lại là niềm vui của người dân và những doanh nghiệp đang kinh doanh mặt hàng “vàng trắng” đầy tiềm năng này.

Mừng nhưng vẫn lo

Hiệp hội Cao su Việt Nam tỏ ra nuối tiếc khi giá xuất khẩu đang tăng nhưng sản lượng còn lại hiện nay không nhiều. Hầu hết người dân trồng cao su không còn mủ để bán do đang vào mùa nghịch, chỉ có một số doanh nghiệp tồn trữ thì mới trúng giá trong đợt này.

Dù giá tăng ngay từ đầu năm nhưng hiệp hội vẫn khuyến cáo người dân và doanh nghiệp thận trọng không được chủ quan bởi diễn biến thị trường hiện nay rất khó đoán. Theo đó, cần tính toán đầu tư hợp lý cho vườn cao su từ ngắn hạn đến dài hạn, tiết giảm chi phí giá thành để tăng sức cạnh tranh.

Ngành cao su Việt Nam cũng phối hợp với các nước xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới như Malaysia, Thái Lan… chủ động giữ giá bán trên thị trường từ 1.300 USD/tấn trở lên, mức giá đảm bảo cho nhà sản xuất có lời.

Hiệp hội Cao su Việt Nam khẳng định, nếu thị trường có khó khăn thì toàn ngành cũng không để công nhân nghỉ việc, trường hợp tệ nhất là chỉ giảm lương. Tuy nhiên diễn biến hiện nay rất có lợi, chỉ cần giá cao su được từ 1.000 USD/tấn trở lên là người dân sống được.

Đối với thị trường lúa gạo hiện nay đang rất sôi động từ trong nước lẫn ngoài nước. Ông Trương Văn Ảnh, Giám đốc Công ty Lương thực Long An cho biết, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 420 USD/tấn; gạo 15% tấm 380- 390 USD/tấn; gạo 25% tấm từ 360- 370 USD/tấn… bình quân tăng khoảng 20 USD/tấn so cuối năm 2008.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, kế hoạch xuất khẩu gạo ngay đầu năm rất tốt với số lượng khoảng 900.000 tấn. Bên cạnh đó, hợp đồng xuất cả năm sang Philippines số lượng 1,5 triệu tấn cơ bản đã xong, chưa kể các nước châu Phi, châu Á… khẩn trương liên lạc mua gạo của Việt Nam. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ lúa gạo năm nay vẫn dồi dào, giá cả khá tốt. Vấn đề là điều hành sao cho hợp lý nhằm đảm bảo lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu, tránh lặp lại bài học “ứ đọng- rớt giá” hồi năm ngoái.

Tại ĐBSCL giá cá tra, cá ba sa đang phục hồi và khả năng nhảy vọt trong thời gian tới. Hiện thời người nuôi đã có lời từ 2.000đ - 4.000đ/kg nhưng sản lượng cá tới lứa thu hoạch không còn nhiều.

Ở các vùng nuôi cá trọng điểm như An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ… trung bình 10 hộ nuôi thì chỉ còn 2- 3 hộ có cá lớn. Nguy cơ thiếu cá nguyên liệu đang đè nặng lên các nhà máy.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Đồng Tháp trăn trở: “Tâm trạng của người nuôi cá hiện nay cũng rối lắm. Mừng là cá tăng giá nhưng lo vì không biết duy trì được bao lâu. Do đó nhiều hộ còn chần chừ không dám đầu tư nuôi tiếp”.

Để ổn định nghề nuôi cá, ông Quốc kiến nghị các ngành trung ương hỗ trợ bằng cách đưa ra những dự báo thị trường ngắn hạn, dài hạn một cách chính xác để người nuôi cân đối lịch thời vụ. Địa phương sẽ đảm nhận chuyển giao kỹ thuật, hạ giá thành, nâng chất lượng… để tăng tính cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng vào cuộc, liên kết cùng nông dân ổn định vùng nguyên liệu. Ngoài ra cần quản lý chặt giá cả thức ăn, bởi 80% chi phí giá thành nuôi cá phụ thuộc vào thức ăn.