Lúa chờ... thợ gặt
Được đăng : 03/11/2016
Hàng ngàn hecta lúa chín vàng đồng, rơi rụng đầy gốc nhưng người dân đành bất lực đứng nhìn vì không tìm ra nhân công để thu hoạch. Đó là chuyện đang diễn ra ở ĐBSCL.
Tìm thợ gặt quá khó!
Ông Võ Văn Kế (Tam Bình, Vĩnh Long) cho biết mấy ngày nay ông đi hết xóm trên tới xóm dưới tìm nhân công để thu hoạch mười công lúa mà chẳng đào đâu ra, trong khi đó lúa ngày một chín vàng ngoài đồng, bị ngã sát đất, rơi rụng đầy gốc nên ông càng sốt ruột.
“Đáng lẽ đám ruộng của tôi cắt hai ngày trước nhưng thiếu nhân công đành đứng ngó lúa rụng” - ông than. Chị Mai Thị Hảo, hàng xóm ông Kế, cũng chặc lưỡi: “Mọi năm mùa này nhiều người ở Sóc Trăng, Bạc Liêu... đổ về đây cắt lúa mướn rất đông, còn năm nay về rất ít. Bởi ít người làm mướn nên mạnh ai nấy giành giật nhân công”. Theo chị Hảo, nhân công thiếu là do thanh niên trai gái ở địa phương phần lớn đều lên TP.HCM, Bình Dương làm công nhân. “Còn mấy ông bà già ở nhà thì làm không xuể” - chị nói.
Vì thiếu người nên giá nhân công tăng cao. Ông Kế cho biết đầu vụ giá cắt lúa một công tầm nhỏ 60.000 đồng, nay đã vọt lên 90.000 đồng. Nếu thuê gom tới chỗ suốt luôn thì một công đã hơn hai giạ lúa (mỗi giạ 55.000 đồng). Nhân công có giá cao vậy nhưng những cánh đồng lúa chín vàng ruộm ở Tam Bình, Vĩnh Long vẫn đang chờ người gặt.
Tại An Giang, nhiều cánh đồng lúa chín rũ mà chưa được thu hoạch, nhiều cánh đồng thưa vắng bóng người gom cắt. Tại Sóc Trăng, nhiều trà lúa đông xuân đã chín vàng đồng, nằm ngã rạp xuống mặt ruộng nhưng nông dân vẫn không thuê được người cắt lúa. Ở nhiều nơi, đến giờ này máy gặt cũng chào thua vì lúa ngã nên rất khó cắt.
Bà Nhàn, một chủ ruộng, mong ngóng: mọi năm nhân công từ miệt An Giang, Đồng Tháp đến làm thuê rất đông, sao năm nay chờ hoài không thấy, chỉ lẻ tẻ vài người...
Chính vì vậy mà giá cắt lúa hiện đã tăng vọt lên trên 1 triệu đồng/ha, tăng từ 300.000-400.000 đồng/ha so với những năm trước. Ông Trần Văn Nhờ ở xã Vĩnh Lợi, huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) than thở: “Mấy năm trước tình trạng thiếu nhân công cắt lúa cũng diễn ra nhưng không gay gắt như năm nay. 20 công lúa của tôi đã đến ngày thu hoạch cả tuần nay nhưng tìm đỏ con mắt chỉ được hai người chịu cắt kiểu... rùa bò nhưng phải trả đến 120.000 đồng/công vì họ cho rằng trà lúa này rất khó cắt do chín quá rục nên ngã rất nhiều”. Cần có công ty cho nhà nông
Theo ông Phan Nhật Ái - phó giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Vĩnh Long, tình trạng thiếu nhân công thu hoạch lúa là do năm nay các tỉnh đồng bằng đồng loạt xuống giống theo lịch thời vụ để tránh rầy.
Thêm nữa lực lượng lao động ở khu vực nông thôn đang dịch chuyển mạnh, phần lớn thanh niên đã thoát ly nông nghiệp, sang làm việc cho các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trong khi đó việc cơ giới phục vụ cho thu hoạch chưa đáp ứng được nhu cầu... “Các vụ trước nông dân xuống giống không đồng đều, vì vậy không thiếu nhân công gay gắt”. Theo ông, thiếu nhân công vụ này từ những nguyên nhân trên là điều thấy trước.
TS Lê Văn Bảnh, phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết tình trạng khan hiếm nhân công cắt lúa đã có từ nhiều năm qua nhưng năm nay rất nghiêm trọng. Lúa không được thu hoạch để chín ngoài đồng không chỉ làm giảm năng suất mà chất lượng của hạt lúa cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. TS Bảnh giải thích nếu chín quá thì khi thu hoạch lúa sẽ bị thất thoát do rụng. Hơn nữa nếu chín quá 90% thì hạt gạo sẽ bị đứt gãy khi xay xát. Theo ông, việc xuống giống đồng loạt là cần thiết để tránh rầy nâu phá hoại nhưng phải có kế hoạch về thu hoạch.
Mặt khác, hầu hết đồng ruộng đều có diện tích nhỏ hẹp, không bằng phẳng nên máy cắt khó hoạt động. Nếu hoạt động được thì cũng có một số hạn chế về kỹ thuật như cắt bị rối, cắt lúa quá dài khiến máy gặt đập liên hợp bị kẹt nên hiệu quả chưa cao. Đồng thời giá máy cũng còn cao, chưa phù hợp với nông dân.
Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh việc cải tiến máy móc, TS Bảnh đề xuất các địa phương nên tổ chức thành mạng lưới dịch vụ thu hoạch (hiện nay đã có dịch vụ cấy lúa). Theo đó, sẽ có một số đầu mối chuyên cung cấp dịch vụ gặt đập trọn gói, khi cần thu hoạch địa phương liên hệ với các đầu mối này để thực hiện, dạng như công ty làm nông nghiệp. Như thế vừa tận dụng hết công suất của máy vừa tạo điều kiện để các đầu mối này đầu tư máy móc, phương tiện hiện đại cho nông nghiệp.
Theo Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn An Giang, nếu tỉ lệ thất thoát trong khâu cắt và phơi 5,2% thì lượng lúa tương đương 150.000 tấn. Tỉ lệ thất thoát này còn cao là do việc thu hoạch chủ yếu làm thủ công.
Để khắc phục, tỉnh đã triển khai đề án cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa với mục tiêu tới năm 2010 toàn tỉnh sẽ có 2.000 máy gặt các loại, nâng diện tích lúa sử dụng máy gặt đập lên 30%. An Giang có chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho vay vốn đối với các chủ trang trại, tổ liên kết sản xuất, HTX nông nghiệp... đầu tư trang bị máy gặt đập liên hợp.
Đặc biệt đối với 100 máy đầu tiên được vay 70% chi phí mua máy không tính lãi, hoàn vốn trong ba năm. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh mới có khoảng 40 máy gặt đập liên hợp, 250 máy gặt xếp dãy cầm tay. Số máy này thu hoạch chưa tới 10% diện tích lúa trong tỉnh.
Trong khi đó, theo ông Lê Hùng Cường - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân An Giang, tình trạng thiếu hụt nhân công trong thu hoạch lúa vào vụ hè thu tới sẽ trầm trọng hơn.