Sống ở địa bàn thuần nông, khát vọng vươn lên làm giàu đối với những người nông dân chân lấm tay bùn nếu chỉ dừng lại ở sự cần cù, chịu khó thôi thì chưa đủ mà họ còn phải mạnh dạn thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, biết lựa chọn hướng đi phù hợp. Anh Trần Ngọc Nhân, chi Hội phó nông dân thôn Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh là một trong những điển hình như thế.
Qua câu chuyện kể của anh, chúng tôi được biết, nhiều năm trước đây gia đình anh sống chủ yếu nhờ vào mấy sào ruộng nước, khu vườn rộng 4 sào lẫn lộn đủ các loại cây và chăn nuôi thêm một ít lợn, gà. Hai vợ chồng quanh năm tất bật với ruộng vườn nhưng kinh tế gia đình vẫn luôn khó khăn, thiếu thốn. Thoát khỏi nghèo khó và đi lên làm giàu từ nông nghiệp phải bắt đầu từ đâu? bằng cách nào? Bao trăn trở, nghĩ suy và anh đã quyết định đổi mới trong cách làm ăn. Năm 2006, anh bắt tay vào chuyển đổi cây trồng, đầu tư thâm canh tăng năng suất, 2000 m2 vườn tạp chuyển sang trồng tiêu và cây ăn quả. Nhờ tìm tòi học hỏi, nắm bắt và áp dụng đúng kỹ thuật nên vườn tiêu gia đình anh phát triển tốt, năng suất tiêu năm sau cao hơn năm trước. Khu rừng bạch đàn hoang hoá giá trị kinh tế thấp cải tạo chuyển đổi sang trồng cao su với 2,2 ha, đến nay có 0,6 ha chuẩn bị đưa vào khai thác. Trên diện tích trồng mới cao su xen canh trồng thêm lạc, dưa hấu, lấy ngắn nuôi dài và giảm tiết kiệm chi phí. Gia đình anh cũng đi đầu trong dồn điền đổi thửa, chọn giống lúa mới, đầu tư thâm canh 1,5 ha ruộng nước cho năng suất cao. Chăn nuôi hàng năm 1,2 tấn lợn hơi, 120 con gà thả vườn. Dành dụm một ít vốn và vay 16 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp huyện, anh đã mua 2 máy làm đất, 1 máy tuốt lúa, 1 xe vận chuyển lúa trên đồng ruộng và 1 máy xẻ gỗ di động để phục vụ nông nghiệp cho bà con trên địa bàn toàn xã.
Ông Nhân đang chăm sóc mảnh vườn của gia đình.
Vốn có niềm đam mê trồng hoa từ thuở nhỏ nên khi nhận thấy thị trường ngày càng có nhu cầu cao về hoa, nhất là trong những dịp tết, lễ, anh đã tìm đến Hội Làm vườn tỉnh xin Giấy giới thiệu ra Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương và tham quan học hỏi các mô hình trồng hoa có hiệu quả ở miền Bắc. Nắm được những kỹ thuật cơ bản về trồng hoa, năm 2006, anh trồng thí điểm 4 vạn cây hoa cúc trên diện tích 1200m2 và được thị trường chấp nhận. Sau đó, anh đầu tư làm giống tại chỗ để cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Hàng năm anh đều ra tập huấn tại Viện Nghiên cứu rau quả 1-2 lần để nắm bắt những kỹ thuật mới về áp dụng thực tế và hướng dẫn cho các hội viên trồng hoa. Chưa thoả mãn với các loài hoa như cúc, hồng, đồng tiền, anh đã mạnh dạn đầu tư trồng hoa ly, có nguồn gốc giống từ Hà Lan cho thu nhập cao và thị trường ưa chuộng. Từ năm 2009 đến nay, anh mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới để ươm cây giống nhằm hạn chế được những tác động do biến đổi thất thường của thời tiết, tạo môi trường cho hoa ly sinh trưởng và phát triển tốt đồng thời nâng cao giá trị thương phẩm. Hiện diện tích trồng hoa của gia đình anh có 7 sào, trong đó, 2 sào nhà lưới có mái lợp để trồng hoa giống. Mỗi năm trồng 2.200 chậu hoa cúc, 1.000 chậu hoa các loại, 3.000 củ hoa ly. Hàng năm cung cấp giống cho các Hợp tác xã trồng hoa của thành phố Đông Hà và nhiều hộ trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 220 vạn cây giống cúc các loại. Trong đó, sản xuất cây giống tại vườn đạt 30%, còn lại nhập từ Viện nghiên cứu rau quả Trung ương. Tổng thu nhập từ sản xuất và dịch vụ bình quân hàng năm của gia đình anh sau khi trừ chi phí khoảng 300 triệu đồng.
Là chi Hội phó Hội Nông dân, tổ trưởng tổ tự quản của thôn, anh luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua và các hoạt động của Hội, tham gia tích trong các hoạt động văn hoá, thể thao, xã hội từ thiện của địa phương. Hàng năm, tạo việc làm cho 5 đến 8 lao động trong thời gian 6 tháng mùa vụ, với mức thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng; động viên các hộ nghèo, neo đơn, tàn tật… khoảng 5 triệu. Ngoài ra, anh còn hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa cho nhiều hội viên và cho bà con trong thôn nợ tiền dịch vụ 65 triệu đồng.
Với những nỗ lực trong chuyển đổi sản xuất vươn lên làm giàu trên vùng đất thuần nông của quê hương, anh luôn được Hội Nông dân, chính quyền địa phương biểu dương, khen thưởng và được UBND tỉnh tặng Bằng khen nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi./.
Quang Nguyên