00:00 Số lượt truy cập: 3076500

Lúa đông xuân trúng mùa, trúng giá: Nông dân phấn khởi ! 

Được đăng : 03/11/2016
Hiện nay, nông dân ở TP Cần Thơ bước vào thu hoạch lúa đông xuân 2010-2011. Năm nay, thời tiết thuận lợi ít sâu bệnh, nông dân tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hầu hết các diện tích lúa đông xuân trúng mùa. Niềm vui của người nông dân được nhân đôi khi giá lúa đang ở mức cao và dễ tiêu thụ...

Trúng mùa, trúng giá

Theo nhiều nông dân tại TP Cần Thơ, vụ lúa đông xuân 2010-2011, nhiều ruộng lúa đạt năng suất khá cao, trên 7 tấn/ha. Không chỉ trúng mùa, vụ đông xuân 2010-2011 nông dân Cần Thơ còn đang trúng giá. Hiện giá nhiều loại lúa thường đã phơi khô ở mức 6.000-6.100 đồng/kg, tăng 100-200 đồng/kg so với tuần trước; còn với lúa thơm nhẹ và thơm Jasmine nhiều nơi nông dân đang bán lúa khô với giá lên đến 6.800-6.900 đồng/kg; đặc biệt lúa thơm nút (VD 20) và nhiều loại nếp có giá tới 7.800 đồng/kg.

Vĩnh Thạnh hiện là địa phương có diện tích sản xuất lúa đứng hàng đầu TP Cần Thơ, với trên 25.400 ha. Trong đó, có trên 95% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao và lúa thơm. Nông dân sản xuất lúa chất lượng cao tại địa bàn huyện rất phấn khởi khi lúa trúng mùa, bán được giá cao. Ông Trần Văn Dành ở ấp Lân Quới 2, xã Thạnh Quới, có 40 công ruộng sản xuất lúa thơm Jasmine và VD 20, phấn khởi cho biết: “Do giá nhiều loại vật tư tăng nên chi phí sản xuất lúa đông xuân 2010-2011 vào khoảng 2-2,5 triệu đồng/công. Tuy nhiên, hầu hết nông dân đều lời do lúa trúng mùa, trúng giá. Hiện tôi và nhiều bà con sản xuất các loại lúa thơm và nếp trên địa bàn Vĩnh Thạnh đạt mức lợi nhuận 3-4 triệu đồng/công, mức cao nhất trong những vụ lúa gần đây”. Theo ông Phan Văn Năm - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, hiện có hơn 4.500ha lúa đông xuân trên địa bàn huyện đã được thu hoạch, với năng suất lúa đạt từ 7,2-7,5 tấn/ha. Diện tích lúa còn lại (khoảng 20.000 ha) dự kiến sẽ được thu hoạch dứt điểm từ nay đến 20-3-2011. Những diện tích lúa thu hoạch ở giai đoạn sau, năng suất đang cao hơn khá nhiều so với các diện tích trước, dự kiến năng suất lúa bình quân của huyện trong vụ đông xuân này có thể đạt 7,4-7,5 tấn/ha.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh.

Nhiều nông dân sản xuất các loại lúa tròn (như: IR 50404) và lúa dài thường tại các quận, huyện của TP Cần Thơ (như: Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Thới Lai, Phong Điền, Vĩnh Thạnh) cũng cho biết đã thu hoạch lúa đạt năng suất khá cao và có thể đạt mức lợi nhuận trên 2 triệu đồng/công. Bà Lương Thị Mỹ Linh ở ấp Đông Hòa A, xã Thới Tân, huyện Thới Lai, vui vẻ cho biết: “Nhiều thương lái thấy tôi phơi lúa đã đến trả mua với giá 6.000 đồng/kg (lúa IR 50404), nhưng tôi chưa chịu bán. Lúa của tôi vụ này năng suất lúa đạt trên 1 tấn/công (1.300 m2), tôi cầm chắc có mức lời khoảng 2 triệu đồng/công”. Còn theo anh Trần Văn Triều ở ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, vụ này anh sạ lúa 0M 6976. Nhờ bón phân, phun thuốc hợp lý và thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, nên 12 công lúa của anh cho năng suất khá cao, với 1 tấn/công (1.300m2). Lúa của anh đang phơi, dự kiến vài ngày nữa mới bán. Với giá hiện nay, tính sơ vụ này anh có lời trên 2 triệu đồng/công lúa và 12 công lúa có thể cho tổng lợi nhuận trên 26 triệu đồng.

Không lo thiếu nhân công thu hoạch lúa

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Đến ngày 1-3-2011, toàn thành phố đã thu hoạch được khoảng 25.000ha trên tổng số diện tích khoảng 88.000ha lúa đông xuân 2010-2011, năng suất bình quân đạt 7,1-7,2 tấn/ha. Dự kiến, đến hết tuần này, nông dân thành phố thu hoạch thêm 40.000 ha, còn lại hơn 20.000ha sẽ thu hoạch dứt điểm vào hạ tuần tháng 3 này... Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, năm nay, nhìn chung, nguồn lao động phục vụ thu hoạch lúa đông xuân tại thành phố không thiếu hụt do việc cơ giới hóa trong thu hoạch lúa được tăng cường và có thêm lao động từ các nơi khác đến. Hiện có trên 200 máy gặt đập tham gia thu hoạch lúa.

Có được vụ đông xuân trúng mùa, nhiều nông dân TP Cần Thơ đang tất bật cho vụ xuống giống lúa hè thu sớm 2011.Theo Sở NN&PTNT thành phố, đến ngày 1-3-2011, toàn thành phố đã có khoảng 250ha được nông dân xuống giống vụ lúa hè thu sớm. Vụ này, ngành nông nghiệp thành phố có kế hoạch xuống giống khoảng 80.000ha. Trước tình hình dự báo năm nay có thể xảy ra hạn hán kéo dài, ngành nông nghiệp thành phố khuyến cáo nông dân chuẩn bị bờ bao thật kỹ để chủ động bơm tưới cho lúa hè thu, đồng thời nông dân phải xuống giống lúa hè thu tập trung theo lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp để góp phần đảm bảo có thêm một vụ mùa thắng lợi...

Trên các cánh đồng lớn tại quận Thốt Nốt và các huyện như Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh... đã có các máy gặt đập liên hợp tham gia thu hoạch lúa. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã có 192 máy gặt đập liên hợp. Giá thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa và kéo lúa bỏ lên tới bờ ruộng chỉ ở mức 250.000-260.000 đồng/công. Chị Lương Thị Mỹ Linh ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Thuê máy gặt đập liên hợp cắt lúa, sau khi tuốt vô bao được chủ máy cho nhân công chất lên máy kéo chở vô tới đầu bờ ruộng cho mình. Còn rơm rạ được máy phun ra tương đối trải đều khắp ruộng, tiện lợi cho việc phơi đốt làm nguồn phân cho ruộng lúa. Tính ra, thuê máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa rẻ hơn khoảng 200.000 đồng/công so với thuê mướn nhân công cắt lúa và thu hoạch lúa bằng tay”. Bà Nguyễn Thị An ở ấp Lân Quới 2, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “ Năm nay, hầu hết các cánh đồng trong xã đều có máy gặt đập liên hợp và máy kéo lúa tham gia thu hoạch lúa. Mướn máy gặt đập liên hợp thu hoạch không chỉ giảm chi phí, còn tiết kiệm nhiều thời gian so với thuê nhân công thu hoạch lúa bằng tay”.

Theo anh Lê Phước Khích, chủ một máy gặt đập liên hợp ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, do có nhiều chủ máy gặt đập liên hợp tham gia gặt lúa cạnh tranh nên anh gặt lúa chỉ với giá 250.000 đồng/công (tương đương với giá năm trước). Trung bình máy có thể thu hoạch được 30 công lúa/ngày (đối với lúa đứng) và khoảng 20 công/ngày (nếu lúa có bị ngã).

Dù không thiếu nhân công thu hoạch lúa, song giá thuê mướn nhân công thu hoạch lúa tại nhiều nơi vẫn tăng so với năm trước. Cụ thể, giá thuê công cắt tại một số nơi đã tăng khoảng 20.000-30.000 đồng/công; công vạn tăng 10.000-20.000 đồng/công, còn giá thuê mướn nhân công làm việc theo ngày tăng cũng khoảng 10.000-20.000 đồng/ngày, tùy nơi... Giá tăng chủ yếu ở những cánh đồng nhỏ và điều kiện đi lại còn khó, máy gặt đập liên hợp không vào được hoặc lúa bị ngã nhiều, phải phụ thuộc vào việc thu hoạch lúa bằng tay. Hiện giá thuê nhân công cắt lúa tại nhiều nơi ở mức 110.000-150.000 đồng/công (lúa đứng), lúa ngã 200.000-250.000 đồng/công; công vạn 100.000-140.000 đồng/công và giá thuê nhân công làm theo ngày khoảng 120.000-130.000 đồng/ngày.