Khó tiêu thụ Theo tính toán của Sở NN-PTNT Tiền Giang và Vĩnh Long, giá thành lúa hè thu xấp xỉ 3.000 đồng/kg. Vừa qua, khi ĐBSCL thu hoạch rộ lúa hè thu ngay thời điểm mưa lũ, hàng loạt nông dân rơi vào khó khăn: Lúa bị ngập úng, thiếu sân phơi, giá công cắt tăng gấp 2 lần so với năm ngoái. Khổ hơn, lúa IR 50404 có lúc ngang ngửa với giá thành 2.800 đồng/kg. Còn hiện nay, giá gạo giao dịch giữa các lái buôn chỉ ở mức 5.000 đồng/kg, với giá này “quy ra” giá lúa khô chỉ khoảng 3.700 - 3.800 đồng/kg. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vào cuộc: mua dự trữ 400.000 tấn lúa, gạo, giúp nông dân ĐBSCL an tâm sản xuất. Giá mua lúa tại các địa phương phải đảm bảo không dưới 3.800 đồng/kg. Đây là giá các cơ quan chức năng đã tính toán để nông dân đạt lợi nhuận tối thiểu 30%. Nói là thế, nhưng thực tế “rất khó” để thực hiện điều này trọn vẹn. Đơn giản, thương lái hiện vẫn là kênh thu mua chính và chi phối giá lúa của nông dân. Nhiều lão nông phân vân: Doanh nghiệp có thực sự mua lúa dự trữ hay mua gạo từ thương lái dự trữ rồi quy ra sản lượng lúa! Nếu mua theo cách này, giá lúa giao dịch của các chành là 3.800 đồng/kg, nếu thêm một công đoạn mua qua thương lái thì giá tiếp tục giảm xuống - khó đạt mức 3.800 đồng/kg! Câu chuyện lúa tồn đọng vào vụ thu hoạch đã diễn ra hơn 10 năm qua. Nếu như trước đây, chuyện tồn đọng xảy ra trong vụ đông xuân, thì 3 năm gần đây xảy ra trong vụ hè thu hoặc thu đông (lúa vụ 3). Năm ngoái, nông dân vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên khóc ròng vì chuyện lúa IR 50404 tồn đọng hàng trăm ngàn tấn, lúa lên mốc nhưng chẳng có ai mua! Và hệ lụy là cánh thương lái, nhà chành và nông dân đua nhau chạy về TPHCM bán gạo “đại hạ giá” - thông qua các điểm bán gạo “dã chiến”! Tình trạng lúa tồn đọng ở ĐBSCL đã được ghi nhận khá lâu. Nhiều chợ lúa – gạo đầu mối đã và đang được hình thành. Những tính toán ban đầu, chợ đầu mối sẽ là nơi bán buôn phong phú: dân bán lúa – gạo trực tiếp cho doanh nghiệp, thậm chí đến phơi lúa rồi gởi vào kho khi rớt giá… Nhưng đến nay, những tính toán này vẫn nằm trên… giấy! “ĐBSCL là vùng sản xuất lúa chủ lực của cả nước, nhưng nông dân trồng lúa hầu hết là nghèo và gặp khó khăn nhiều nhất. Nông dân sản xuất lúa gặp rủi ro do sâu bệnh, thiên tai, hạn hán, nhiễm mặn và đặc biệt là thị trường tiêu thụ. Hơn nữa, mặt bằng về trình độ sản xuất chưa đồng đều, dẫn đến chênh lệch năng suất giữa các hộ sản xuất lúa còn khá cao” - TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định.
Nông dân ĐBSCL trực tiếp sản xuất ra lúa gạo nhưng chưa bao giờ là người quyết định giá bán! Khi sản xuất lúa hè thu, họ thừa biết đây là vụ lợi nhuận thấp vì giá thành đến khoảng 2.700 đồng/kg (cao hơn đông xuân 1.000 đồng/kg). Còn sản xuất lúa vụ 3 là “đánh bài cào với ông trời”, thường bị mưa dầm, lũ chụp và ứ đọng! Biết thế, nhưng nông dân vẫn làm vì họ chỉ có đất ruộng để trồng lúa. “Năm 2009, diện tích sản xuất lúa ở ĐBSCL là 3,8 triệu ha. Tuy nhiên từ nhiều năm qua năng suất lúa vẫn dao động ở mức 5-6 tấn/ha. Dự báo sản lượng lương thực ở ĐBSCL đến năm 2020, cũng chỉ ở mức 21 triệu tấn/năm như hiện nay. Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2008 là 4,67 triệu tấn và kế hoạch đến năm 2020 vẫn 4-5 triệu tấn/năm chứ không hơn nữa” – TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhận định. Các chuyên gia lúa gạo dự báo, khả năng xuất khẩu gạo trong năm 2009 của Việt Nam đạt 6 triệu tấn. Đây sẽ là bước ngoặt mở ra “kỷ lục” của Việt Nam về lượng gạo xuất khẩu trong vòng 20 năm qua! Con số dự báo xuất khẩu 6 triệu tấn gạo là khá ấn tượng. Nhưng trong bối cảnh nông dân, thương lái, các chành gạo rơi vào thế khó của “nút cổ chai” như hiện nay không biết nên vui hay buồn! Hiện nay, vụ đông xuân thường có lãi cao do năng suất và chất lượng lúa khá tốt, nông dân có lãi. Trong khi vụ hè thu và thu đông thường ẩn chứa nhiều rủi ro – không ít nông dân bị mất trắng và thua lỗ. Thậm chí nhiều nhà khoa học khuyến cáo nông dân không nên làm lúa thu đông (lúa vụ 3) dễ làm đất bạc màu! Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo, chính quyền địa phương vẫn “làm lơ” để nông dân sản xuất, còn chuyện ứ đọng, giá lúa rớt thì “đến hẹn lại lên”!? Tại giao ban trực tuyến về tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra các tỉnh ĐBSCL hồi hạ tuần tháng 8-2009, nhiều ý kiến đề xuất nên đưa ra những thông tin dự báo cần thiết về tình hình “cung – cầu” trong nước và thế giới. Trên cơ sở đó, khuyến cáo nông dân sản xuất vừa với nhu cầu. Xem ra kiến nghị này cũng nên áp dụng với ngành lúa gạo. |