00:00 Số lượt truy cập: 2995618

Lúa hè thu đầu mùa trúng giá 

Được đăng : 03/11/2016

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch lúa hè thu. Trên địa bàn TP.Cần Thơ, một số nơi, bà con nông dân đã rục rịch thu lúa sớm với năng suất và sản lượng khá cao. Niềm vui như được nhân đôi khi năm nay lúa trúng giá, lợi nhuận thu được trên 1 triệu đồng /công (1.000m2), cao hơn nhiều so với mùa vụ năm ngoái.


Nông dân thắng lớn

Vụ lúa hè thu năm nay, gia đình anh Nguyễn Thanh Phương ở xã Trung Thạnh, huyện Thốt Nốt gieo cấy 5ha, năng suất bình quân 6, 7 tấn /ha, đem lại lợi nhuận gần 12 triệu đồng /ha. Anh Phương phấn khởi nói: “Có được kết quả này là nhờ tôi làm theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, chỉ trồng giống lúa xác nhận, chất lượng cao, có khả năng kháng rầy, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất”.

Với trên 84.000ha lúa hè thu, năm nay, diện tích trồng giống lúa xác nhận, lúa chất lượng cao, áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” ở các huyện ngoại thành TP. Cần Thơ đạt mức kỷ lục, chiếm trên 80%. Các huyện Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, năng suất lúa đều đạt bình quân 5-6 tấn /ha, tăng 0,4 - 0, 5 tấn /ha so với cùng kỳ năm ngoái. Mới vào đầu vụ nên giá lúa đứng ở mức khá cao. Các loại lúa chất lượng cao (gạo thơm) giá 3.000 - 3.200 đồng /kg; lúa hàng hóa (lúa thường) 2.600 - 2.800 đồng /kg, tăng 300 - 500 đồng /kg (lúa thơm) và 200 - 300 đồng /kg (lúa thường). Giá lúa tăng do mới vào vụ, sản lượng ít, không rơi vào tình trạng dội hàng, rớt giá. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đang tăng cường thu mua với số lượng lớn để đáp ứng yêu cầu của các đơn hàng lớn. Anh Nguyễn Văn Nại ở xã Trung Thạnh (huyện Thốt Nốt) có gần 13 công (13.000m2 ) lúa chất lượng cao, giống OM 1940. Cuối tháng 6, anh thu hoạch được trên 7 tấn, thương lái đến mua với giá 3.100 đồng /kg, cao hơn khoảng 400 đồng /kg so với cùng kỳ năm ngoái. Anh Nại tính: “Với giá này, sau khi trừ chi phí, tôi còn lời gần 2 triệu đồng /tấn. Lúa bán ngay thời điểm bắt đầu thu hoạch rộ thường có giá tương đối cao, nhưng nếu có vốn, trữ lại để cuối vụ, giá có thể còn cao hơn”.

Doanh nghiệp bắt tay với nông dân

Để nông dân có được vụ mùa bội thu và trúng giá như năm nay, ngành Nông nghiệp và PTNT TP.Cần Thơ và chính quyền các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp thực hiện các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ nông dân bảo vệ lúa, ngăn chặn dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá; đặc biệt là giới thiệu, động viên các doanh nghiệp đến thỏa thuận, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Công ty cổ phần Thương nghiệp và Chế biến lương thực Thốt Nốt đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trực tiếp với nông dân 2 xã Thuận Hưng và Thới Thuận (huyện Thốt Nốt), diện tích ký hợp đồng ở mỗi xã trên 1.000ha. Giá lúa được bao tiêu cao hơn 10% so với giá thị trường. ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty, cho biết: “Ngoài sản lượng lúa được bao tiêu để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu, chúng tôi còn thu mua thêm số lượng lúa, gạo để dự trữ khi kết thúc mùa vụ. Hiện Công ty đang chuẩn bị các điểm thu mua lúa ở các huyện trong và ngoài thành phố. Đồng thời, chúng tôi còn liên kết và tiêu thụ lúa, gạo của thương lái trong khu vực ĐBSCL. Chúng tôi ưu tiên thu mua lúa chất lượng cao, lúa thơm”.

Công ty Lương thực Sông Hậu cũng có hệ thống thương lái thu mua lúa rộng khắp ở khu vực ĐBSCL. ông Dương Quốc Toàn, Phó trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh của Công ty, cho biết: “Công ty mua gạo hàng hóa (dạng gạo lức) với giá 3.950-4.000 đồng /kg, cao hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 300-400 đồng /kg. Thương lái dựa vào mức giá này để thu mua lúa của nông dân sao cho có lợi nhất cho bà con và xay xát thành gạo lức bán cho Công ty”.

ông Phạm Văn Quỳnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Sở sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến thu mua, thỏa thuận ký hợp đồng tiêu thụ lúa hè thu cho bà con nông dân. Hiện nay, thành phố có nhiều cánh đồng sản xuất lúa tập trung, thu hoạch cùng thời điểm, cùng giống, rất thuận lợi cho doanh nghiệp tiêu thụ với số lượng lớn”.