Lúa lại rớt giá, dội chợ
Được đăng : 03/11/2016
Vụ lúa hè thu ở ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ. Năng suất trung bình khoảng 5 tấn/ha. Dự kiến sẽ có thêm khoảng 2 triệu tấn gạo hàng hoá cung cấp cho thị trường. Thế nhưng, cho đến nay Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vẫn chưa có kế hoạch thu mua lượng gạo hàng hoá này.
Hậu quả là người nông dân thu hoạch lúa không bán được hoặc bán với giá rất thấp, không bù được chi phí sản xuất. Hàng triệu nông dân đang ngồi trên lửa!
Chi phí cao, giá bán thấp
Sau một mùa gieo trồng đầy bất trắc do thời tiết diễn biến phức tạp, giá vật tư tăng cao, giờ đây nông dân (ND) vùng ĐBSCL tiếp tục gánh thêm nỗi lo không bán được lúa. Trong tổng số hơn 1,6 triệu hécta lúa hè thu, tới trung tuần tháng 6, toàn vùng đã thu hoạch hơn 50.000ha lúa hè thu sớm và đang bắt đầu thu hoạch rộ.
Theo Sở NNPTNT Đồng Tháp, toàn tỉnh có khoảng 33.000/196.000ha thu hoạch trong tháng 6. Ông Dương Nghĩa Quốc – Phó GĐ Sở NNPTNT – cho biết, tại huyện Tháp Mười, ND đã thu hoạch trên 5.000ha, năng suất bình quân 5,6 tấn/ha, chất lượng lúa khá tốt, nhưng việc tiêu thụ đang gặp khó.
Theo ND Phạm Văn Tùng ở huyện này, đầu tháng 6, giá lúa hè thu sớm hơn 4.000 đồng/kg, hiện đã sụt xuống dưới 4.000 đồng mà vẫn khó bán. Tình cảnh này khiến ND khốn đốn, vì nhiều người cần tiền lo cho con đi thi đại học, cao đẳng.
Tại vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) thuộc tỉnh Long An, ông Hồ Văn Bún - Phó CT Hội Nông dân huyện Vĩnh Hưng – cho biết: Toàn huyện gieo sạ khoảng 28.000ha lúa hè thu, năng suất bình quân khoảng 5 tấn/ha. Vụ thu hoạch sẽ kết thúc vào đầu tháng 7, với tổng lượng lúa làm ra toàn huyện khoảng 140.000 tấn. Tại xã biên giới Khánh Hưng, ND bắt đầu thu hoạch lúa. Giá mua đang được các ghe “hàng xáo” chào là: Lúa ướt 2.500-2.700đ/kg; lúa khô 2.900 - 3.000đ/kg (giống IR 50404).
Theo ông Nguyễn Văn Đát - ND ấp Gò Châu Mai - vụ hè thu chi phí cao hơn khoảng 600 đồng/kg lúa so với vụ đông xuân, trong khi giá bán thấp hơn khoảng 1.000đồng/kg, vì vậy ước mong “ND lãi 30%” sẽ hoàn toàn toàn phá sản ở vụ hè thu nếu vẫn tiếp tục tình hình này.
Ông Nguyễn Thành Được - ND xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn (An Giang) - rầu ra mặt. Vụ hè thu năm nay, dù đạt năng suất trên 5 tấn/ha, nhưng ông không vui vì chi phí đầu vào rất cao, bình quân 18,5-19 triệu đồng/ha, tức khoảng 3.400-3.5000 đồng/kg, dù đã chấp nhận bán giá thấp 3.800 đồng, rồi xuống còn 3.600 đồng (giống OM 4218) mà vẫn chưa ai mua.
Lão nông Lê Văn Lam - xã Tân Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), người từng viết bức tâm thư gởi Thủ tướng vào năm 2009 bày tỏ nỗi thống khổ của người trồng lúa - than rát ruột: “Lúa hè thu năm nay chi phí cao lắm, nếu tổ chức mua với giá 4.200 đồng/kg họa may ND tụi tui kiếm được mức lãi 30%. Vậy mà mấy ngày nay, nhiều người trong xã kêu giá 3.700 đồng không bán được, hạ xuống 3.500 đồng vẫn không thấy ai mua”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết ND vùng ĐTM đều vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất. Chỉ tỉ lệ nhỏ những người khá giả không lệ thuộc vào nợ vay họ mới có thể trữ lúa thoải mái, không sợ biến động giá thất thường như hiện nay. Thậm chí họ còn mua lúa trữ lại để bán khi được giá.
Phương cách nào giúp nông dân?
Theo Cục Trồng trọt, vụ hè thu này toàn vùng ĐBSCL gieo sạ khoảng 1,55 triệu hécta, cho ra lượng gạo hàng hoá khoảng 2 triệu tấn. Đó là chưa kể lượng gạo IR 50404 từ Campuchia hàng trăm ngàn tấn đang rục rịch tràn qua biên giới. Thế nhưng, tại cuộc họp Hội đồng quản trị Hiệp hội Lương thực (VFA) mở rộng vào đầu tháng 6 vừa qua tại An Giang, những người có trách nhiệm cho biết: Bước vào tháng 6, lượng gạo còn tồn kho khoảng 1,7 triệu tấn, trong khi kế hoạch xuất khẩu trong tháng 6 chỉ khoảng 700.000 tấn.
Nhiều thành viên VFA thừa nhận, việc tiêu thụ lúa hè thu năm nay là rất khó khăn. Nhưng họ đều cho rằng, cần phải tiến hành thu mua lúa của nông dân, nếu không tình hình sẽ trở nên tồi tệ! Thực tế, cho đến nay vẫn chưa có tín hiệu nào từ VFA cho thấy họ sắp triển khai mua gạo tạm trữ với giá sàn bảo đảm cho nông dân lãi 30%.
Trong lúc hàng triệu nông dân ĐBSCL đang lo “lên ruột” mong ngóng chiếc phao giúp mình sớm cặp bến tiêu thụ an toàn, thì các cơ quan có trách nhiệm lại “vờn trái bóng trách nhiệm” cho nhau. Phía các TCty lương thực thì cho là do đợi địa phương công bố giá thành, còn các địa phương thì bảo chờ Bộ Tài chính.
Mới đây, phát biểu công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - lại nói, theo văn bản 403/TTg-KTN, ngày 12.3.2010 về việc tiêu thụ hàng hóa cho ND, Thủ tướng giao cho chủ tịch UBND tỉnh, thành phố là người có trách nhiệm công bố giá lúa hàng hóa trên địa bàn, đảm bảo ND có lãi ít nhất 30%.
Thế nhưng thực chất của vấn đề là các TCty lương thực đang “ôm” lượng gạo tồn kho rất lớn, mà sức mua trên thị trường lại đang giảm nhiệt. Trong khi nông dân ĐBSCL đang khốn đốn vì giá lúa giảm, không ai mua thì nông dân Tiền Giang lại ung dung chăm sóc lúa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang cho biết, Tiền Giang gieo sạ vụ hè thu sớm hơn toàn vùng khoảng 1,5 tháng, vì vậy mà tránh được cảnh “dội chợ” khi vào vụ thu hoạch rộ.
Liệu VFA và Bộ NNPTNT có phương cách nào để giúp nông dân cả nước tránh được cảnh “dội chợ”, bảo đảm trồng lúa an toàn, bền vững, để họ không còn cảnh “ngồi trên lửa” như hiện nay?
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - ông Nguyễn Thanh Nguyên - xác nhận: Nông dân vùng ĐTM đang gặp khó khăn lớn, trong khi VFA vẫn chưa có thông báo về kế hoạch mua lúa gạo vụ hè thu.
- Giám đốc Sở Công Thương Long An - ông Đặng Văn Lớp – cho biết: Tỉnh vừa kiến nghị VFA và Bộ Công Thương nhanh chóng có kế hoạch tiêu thụ lúa hè thu cho ND.
- GS-TS Võ Tòng Xuân: Hiện nhiều quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan đang thu hoạch thì Philippines và Indonesia cũng quan tâm đầu tư cho cây lúa. Trong khi đó, các thương gia Châu Âu chuyên cung cấp gạo cho Châu Phi đã bắt được “mạch” VN đang tồn nhiều gạo và có nhu cầu bán nên cố tình chờ chúng ta hạ giá thêm nữa mới chịu mua”.
Theo nhận định này, chìa khóa giải mã nan đề cho hạt lúa VN đang nằm trong tay những người bên kia bán cầu. Theo GS Xuân, nguyên nhân là do lỗi trong hệ thống quản lý, điều hành lúa, gạo. Bởi không chỉ có lỗi xuất phát từ kiểu mua bán theo kiểu “cấy lúa trên lưng nông dân” của VFA mà còn do kiểu buông lỏng trong quản lý.
“Nhiều người rất thích danh hiệu cường quốc xuất khẩu gạo, nhưng nếu giữ danh hiệu này mà nông dân ngày càng khánh kiệt thì không nên giữ làm gì” - GS Xuân nhấn mạnh - “Xác định lại thị trường của từng loại nông sản lớn và độc đáo của mình để xây dựng chiến lược từ sản xuất nguyên liệu, chế biến và đưa ra thị trường. Có như vậy mới tạo đủ sức cạnh tranh cho nông sản VN trên trường quốc tế. Nếu không, chúng ta sẽ chôn chân trong bức tường: Được mùa, mất giá”.