Trong khi nông dân ĐBSCL đang rầu rĩ vì giá lúa xuống thấp lại rất khó bán, thì các thương lái trong vùng lại đổ xô đi mua lúa Campuchia.
Lúa xuyên biên giới
Vào mùa thu hoạch, trên đường Sứ - con đường đất nối tỉnh Takéo (Campuchia) với xã An Nông (H.Tịnh Biên - An Giang) - thường xuất hiện những chiếc xe chở đầy lúa, chầm chậm bò qua biên giới. Điểm đến là các vựa thu mua nằm sát kinh Vĩnh Tế. Phó chủ tịch UBND xã An Nông, Lâm Văn Bá xác nhận hiện mỗi ngày có khoảng 40 đến 50 chuyến xe chở lúa từ Campuchia qua bán. Tại điểm tập kết, có hàng chục chiếc ghe của thương lái từ các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng… chờ chở lúa về nội địa. Một người bốc xếp tại vựa ông T. cho biết các thương lái Campuchia đi thu gom lúa các nơi, tập kết đến gần khu vực biên giới, trên đất Campuchia. Tại đây, lúa được chuyển lên các xe cải tiến chở sang Việt Nam.
Về danh nghĩa thì lúa này là do người Việt Nam qua thuê đất Campuchia trồng, nay thu hoạch mang về. Tuy nhiên, ai cũng biết là đất trồng lúa người Việt Nam sang thuê không nhiều, chủ yếu dọc biên giới, phần lớn lúa chuyển về là lúa của Campuchia.
Không chỉ tại điểm đường Sứ, mà trên dọc tuyến biên giới của tỉnh An Giang (giáp ranh với các tỉnh Takéo và Kandal của Campuchia), những ngày này luôn nườm nượp ghe của thương lái Việt Nam đến mua lúa từ Campuchia. Nhiều nơi xuất hiện các điểm tập kết lúa có quy mô lớn, xôm tụ như những khu chợ sầm uất. Tại cửa khẩu Nhơn Hội (H.An Phú), hằng ngày vẫn tấp nập ghe chở đầy lúa từ Campuchia về. Tuy không có tổ chức thành vựa như tại đường Sứ, nhưng những điểm thu mua lúa tại Gạt Lài (xã Khánh Bình, H.An Phú), Chrey Thum (H.Koh Thum, Can Dal) không kém phần quy mô. Tại điểm Chrey Thum ngang thị trấn Long Bình, lúc nào cũng có ghe của Việt Nam túc trực xuống hàng từ những "kho lúa lộ thiên" nằm trên đất Campuchia.
Lúa "đụng" lúa
Vào thời điểm nông dân ĐBSCL rầm rộ thu hoạch lúa đông xuân thì Campuchia cũng vào vụ mùa thần nông. Lúa Campuchia tràn qua biên giới đã đụng với lúa Việt Nam. Trong cuộc chiến này, lúa Việt Nam được các thương lái đánh giá là có ưu thế về chất lượng gạo, nhưng lúa của Campuchia lại có giá rẻ hơn. Thương lái Phạm Văn Hùng (ấp Bắc Đai, xã Nhơn Hội, H.An Phú) cho biết, thời điểm này giá lúa thương lái mua tại Campuchia chỉ 3.700 đồng/kg trở lại. Tuy nhiên, lúa Campuchia thường cho sản lượng gạo ít hơn lúa Việt Nam, gạo lại không đẹp bằng. Chị Nguyễn Thị Lành, chủ ghe ĐT 19604 từ huyện Lấp Vò, Đồng Tháp lên mua lúa nói, ghe của chị không trực tiếp sang Campuchia mà mua qua trung gian khi về tới Việt Nam với giá "lọt lòng ghe" là 3.850 đồng/kg.
Lúa từ bên kia biên giới tràn vào khiến nông dân ở ĐBSCL phải chịu cảnh bị ép giá. Một nông dân tại huyện An Phú than: "Ghe mua lúa ở đây, nếu mình chịu bán rẻ thì họ mua cho, còn không thì họ chạy thẳng qua biên giới". Nông dân Nguyễn Văn Được bức xúc: "Cứ ngồi ở đoạn sông này một buổi thử đếm coi có bao nhiêu ghe chở lúa bên kia về. Trong khi lúa của dân địa phương không bán được, hoặc bán với giá thấp".
"Lúa mình đã gặt năm, bảy ngày nay, chất đống đó. Gặp ghe mua lúa chạy ngang, mình ngoắc, họ lắc đầu chỉ qua… Campuchia, chứ nhất định không chịu ghé. Nếu chú không tin thì đi dọc theo bờ sông, hỏi có ghe nào ở đây chịu mua lúa dân ở đây không?", ông Lê Văn Lợi (ấp Bắc Đai, xã Nhơn Hội, An Phú, tỉnh An Giang) ngồi trên đống lúa chưa bán được, buồn bực nói.
Điều khác thường tại Nhơn Hội và một số vùng giáp biên giới, trong khi thương lái địa phương làm ngơ với lúa tại chỗ, thì thương lái từ Đồng Tháp, Sóc Trăng… lại tìm đến khu vực này để mua lúa. Tuy nhiên, giá mua lúa chỉ dưới 3.900 đồng/kg. Ông Lý Văn Bì (ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội) nói ông vừa thu hoạch lúa với năng suất lên đến 7 tấn/ha. Vào thời điểm giá lúa còn 4.000 đồng/kg, thì mỗi công đất ông bán được 2,8 triệu đồng, trừ chi phí (phân bón, thuốc, nhân công…) khoảng 2,5 triệu đồng/công, tính ra tiền lời từ làm lúa chẳng thể đủ trang trải cuộc sống. "Giá lúa cứ xuống thấp thế này thì nông dân chúng tôi mệt dài dài. Mà lỡ kiếp nông dân rồi, không làm ruộng thì biết làm gì bây giờ?", nông dân Lê Văn Thấy than.