00:00 Số lượt truy cập: 3049602

Mạ, lúa chết vẫn tăng: Nguy cơ thiếu giống cận kề 

Được đăng : 03/11/2016

Thống kê mới nhất từ Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), đến nay, đã có 148.000ha lúa và 9.670ha mạ đã bị chết rét. Diện tích này còn tăng khi thời tiết ấm dần. Tổng khối lượng hạt giống ngắn ngày cần tới khoảng 21.000 tấn, trong khi các công ty giống mới đáp ứng được số lẻ.


Theo Cục Trồng trọt, toàn miền Bắc đã cấy được 353.000ha lúa đông xuân, nhưng có đến gần một nửa diện tích đã bị chết, nhiều nhất phải kể đến Thanh Hoá (46.000ha); Nghệ An (30.000ha); Hải Phòng (16.5000ha) Thái Bình (10.000ha)... Diện tích lúa chết chủ yếu ở các giống dài ngày, trà xuân sớm và xuân muộn cấy giáp Tết 10-15 ngày. Ngoài ra, 9.670ha mạ cũng bị chết, tập trung chủ yếu tại vùng ĐBSH. 

Chưa có tình trạng đẩy giá giống

Ông Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, khối lượng hạt giống lúa bị thiệt hại đến nay khoảng 17.500 tấn, trong đó lúa đã cấy khoảng 8.500 tấn và mạ 9.000 tấn. Dự kiến, khi thời tiết ấm lên, diện tích mạ và lúa chết có khả năng tăng thêm nên cần bổ sung thêm khoảng 20% lượng giống trên. Tổng cộng, lượng hạt giống lúa ngắn ngày cần 21.000 tấn để gieo bổ sung.

Trước tình trạng này, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo tất cả các công ty giống “mở kho” để cung cấp cho người dân. Đến nay, lượng giống chính thức các tỉnh yêu cầu công ty giống ứng ra và mua thêm (chủ yếu từ Trung Quốc) mới đạt xấp xỉ 1.000 tấn. 

Các công ty cũng đang khẩn trương nhập giống về, như tại Thanh Hoá đã về 80 tấn giống, 2-3 ngày nữa về 200 tấn; Phú Thọ tung ra 300 tấn trong dịp Tết và nhập thêm 200 tấn lúa lai; các công ty ở Tuyên Quang, Yên Bái, Nghệ An  đều được lệnh đưa giống xuống cho các xã.

Trước việc các công ty giống nhân cơ hội này tăng giá, ông Thông cho rằng, đa số là giống là do các công ty ứng trước cho bà con nông dân, chưa thu tiền, với phương châm càng sớm càng tốt; thậm chí không đăng ký nhưng nếu cần cấy bổ sung cũng được ứng... Bộ NN-PTNT cũng đã đề xuất Chính phủ chính sách hỗ trợ cho nông dân 50% giá giống lúa lai và 100% giá giống lúa thuần cho diện tích lúa và mạ bị chết. Với cơ chế này, chưa có chuyện các công ty giống lợi dụng nâng giá. 

Một số tỉnh cũng đã ứng tiền trước cho các công ty giống, như Thanh Hoá ứng hơn 7 tỷ đồng, Nghệ An và Phú Thọ mỗi tỉnh ứng trên 6 tỷ đồng... Ông Thông nói rằng, tất nhiên giá giống cũng có thể tăng một chút vì các công ty phải nhập với giá cao hơn. 

Song, Cục Trồng trọt cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục điều tra, phân loại cụ thể với chủ trương: bảo vệ tốt diện tích đã có, kể cả mạ, tránh tình trạng cực đoan tức là thấy mạ, lúa chết cho rằng diện tích đó đã chết hết. Nếu có mạ mới cũng phải mất 10-15 ngày mới có thể cấy, do vậy, cần tận dụng mạ đã gieo để khi thời tiết ấm lên có thể cấy ngay vì số này đã được "tôi luyện" qua giá rét và có chiều cao.

Bên cạnh đó, khẩn trương gieo ngay diện tích bổ sung, làm sao để trong vòng từ nay đến cuối tháng 2 có mạ trên 2 lá để cấy. Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương không phải chờ ấm mới gieo vì gieo mạ sân, mạ khay là chính, phải được che kỹ, tưới bằng nước ấm, chiếu điện. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát hôm nay (18/2) cũng có công điện hướng dẫn cụ thể với những diện tích mạ gieo trước 20/1 (thời gian có rét đậm rét hại) và sau thời điểm này. Đối với lúa đã cấy, những ruộng có tỷ lệ lúa chết dưới 20% thì không cần dặm tỉa; tỷ lệ chết từ 20-50% tiếp tục theo dõi, khi trời ấm trên 20oC mới dặm tỉa và bón phân thúc. Riêng lúa chết trên 50 đến 70% số khóm, trong khi chưa có mạ cấy bổ sung cần tiếp tục giữ lại chăm sóc.

Bộ cũng yêu cầu vùng Bắc Trung Bộ gieo mạ xong trước 23/2, vùng miền núi và chân ruộng làm vụ mùa có thể cấy đến 5/3; vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ gieo mạ chậm nhất đến 25/2, cấy chậm nhất đến 5/3; vùng miền núi phía Bắc: khu vực Tây Bắc gieo mạ đến 5/3 và cấy đến 15/3; khu vực Đông Bắc có thể gieo đến cuối tháng 3 và cấy đến trung tuần tháng 4.