Ở những vùng nông thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa mất điện kinh niên hay chưa biết đến ánh sáng đèn điện, chiếc máy nặng chưa tới 1,5 kg nằm gọn trong lòng bàn tay – phát minh của một “kỹ sư nông dân”, có thể hỗ trợ bà con dễ dàng bơm nước tưới cây, trồng trọt, chăn nuôi và sinh hoạt hàng ngày…
MÁY BƠM ĐỘNG CƠ… XE MÁY
Phải đến 4 lần hẹn chúng tôi mới gặp được kỹ sư Nguyễn Văn Thắng – tác giả của chiếc máy bơm nước độc đáo, do anh bận túi bụi đi chuyển giao chiếc máy bơm nước “chê” điện cho bà con nông dân ở các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh. Mới nhìn, tôi cứ tưởng đang gặp một ông nông dân miền Tây sông nước bởi làn da anh ngăm đen vì rám nắng. Anh xuề xòa cười nói: “Bà con hỏi nhiều quá nên đi suốt, chẳng có thời gian làm việc khác nữa”. Vừa nói anh vừa khoe chiếc máy bơm nước được anh đặt tên là Gamma-P100, mới được cải tiến hoàn chỉnh hơn để có thể phát huy tối đa khả năng bơm nước tùy thuộc vào đối tượng được thụ hưởng là cây hay con gì.
Nhìn chiếc máy nhỏ xíu, chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ về việc nó có thể làm thay cho những chiếc máy bơm nước cồng kềnh nặng hàng chục ký lô và vô cùng tiêu tốn điện năng. Biết vậy, anh Thắng lập tức dựng chiếc xe máy Dream ra sân rồi nhoay nhoáy ráp một đầu máy bơm mini vào động cơ xe máy và một đầu vào vòi nước nhựa có sẵn tại nhà. Trong vòng 5 phút, anh nổ máy và kéo tay ga, trong tích tắc nước từ vòi phun thông qua chiếc máy bơm mini phóng ra bay cao quá 2 tầng nhà.
Anh Thắng khẳng định, so với các loại máy bơm nước thông dụng trên thị trường, chiếc máy bơm Gamma-P100 có ưu điểm vượt trội hơn, nhiều khi nó biết “dựa hơi” vào chiếc xe máy đang rất thông dụng ở nông thôn hiện nay. Với bà con nông dân, chiếc xe máy chỉ đơn giản là phương tiện vận chuyển, chuyên chở, nhưng với kỹ sư Nguyễn Văn Thắng, chiếc xe máy còn hữu ích hơn thế. Từng nhiều lần thấy cảnh nông dân điêu đứng không thể tưới cây, chăm vườn, tắm rửa, vệ sinh chuồng trại cho gia súc, gia cầm vì cúp điện triền miên; hay cảnh người dân vùng sâu, vùng xa cưỡi xe máy chở lỉnh kỉnh can, chậu đi múc nước vất vả, kỹ sư Thắng đã tự nhủ lòng sẽ phải làm gì đó để thay đổi điều này. Sau đó, ý tưởng về một chiếc máy bơm gắn vào động cơ xe máy đã hình thành và bám riết lấy anh. Với sự trợ giúp đắc lực của bạn học cũ là kỹ sư Dương Thanh Giang, ý tưởng của anh đã dần thành hình qua hàng chục bản vẽ. Sau đó là giai đoạn khó khăn nhất: thiết kế và hình thành khuôn đúc. Do loại máy này phải phù hợp với vận tốc vòng quay của xe máy và khi vận tốc quay càng lớn thì lực hút càng mạnh, vì thế khuôn đúc phải thật cứng, chắc, kín và dày trên 10 cm mới chịu nổi áp lực ép hàng chục tấn của máy. Phải mất gần 1 năm trời cho bước hình thành khuôn đúc, hai người bạn mới cho ra đời chiếc máy bơm nước Gamma-P100 đầu tiên (tên được viết tắt với nghĩa: Găm vào xe máy có công suất động cơ tối thiểu 100 phân khối).
Ngay khi áp dụng thử nghiệm, chiếc Gamma-P100 đã chứng tỏ ưu điểm vượt trội của mình tại các vùng nông thôn: Nông dân có thể dễ dàng mang ra đồng chỉ bằng một bịch nilon; chiếc máy có thể vận hành bất cứ ở đâu, trong rừng, giữa cánh đồng hay gần các con sông; vận hành bất cứ khi nào, ngay khi cúp điện hay ở những vùng chưa bao giờ có nguồn điện; tiêu hao nhiên liệu rất ít chỉ từ 0,6 – 0,7 lít/h. Thứ duy nhất chiếc máy “dựa hơi” là chiếc xe máy, phương tiện đang rất phổ biến có thể thấy ở bất cứ vùng nông thôn nào của Việt Nam hiện nay.
1.001 ỨNG DỤNG “ĐỘC”
Theo dự tính ban đầu của kỹ sư Thắng, chiếc máy chỉ giúp bà con nông dân vùng nghèo khó, thiếu điện thuận tiện trong việc bơm nước tưới cây, bơm nước sạ mạ, chống hạn, tắm rửa gia súc, vệ sinh chuồng trại và bơm nước sinh hoạt. Tuy nhiên, khi đi vào đời sống, chính những người sử dụng đã làm giàu thêm công dụng cho chiếc máy “chê” điện độc đáo này.
Kỹ sư Thắng tâm sự, hiện tại máy bơm Gamma-P100 đã được nhiều nông dân ở vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL ứng dụng hiệu quả. Vì thế, anh rất mong có sự trợ giúp của các nhà KHKT, các nhà chuyên môn về thị trường, các nhà đầu tư về nguồn vốn để sản phẩm ngày càng hoàn chỉnh, hạ được giá thành thấp nhất và đến được rộng rãi với bà con nông dân, đặc biệt là các vùng nông thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa thiếu nguồn điện sản xuất và sinh hoạt. Ai quan tâm đến chiếc máy Gamma-P100 này, có thể liên hệ với kỹ sư Nguyễn Văn Thắng, địa chỉ: 228/10 Lê Quang Định, P.14, Q.Bình Thạnh, TPHCM. ĐT: 0903.843644.
Đầu tiên là biến chiếc máy thành phương tiện… phòng cháy chữa cháy (PCCC). Nhiều người dân TPHCM sống tại một số hẻm nhỏ khi biết đến chiếc máy Gamma-100 đã chủ động liên hệ tới kỹ sư Thắng để trang bị thiết bị phòng cháy nhỏ gọn, cơ động theo dạng “tủ thuốc gia đình”. Từ ý tưởng của người dân, kỹ sư Thắng khẳng định có thể đây là giải pháp PCCC hiệu quả cho những khu dân cư chật hẹp mà xe cứu hỏa không thể tiếp cận. Cụ thể, chỉ cần các khu dân cư lập các hộp cứu hỏa và ống nối (có răng nối 42 mm) ở các địa điểm trọng yếu, khi có sự cố hỏa hoạn thì chỉ cần nguồn động lực của 1 xe gắn máy là có thể tham gia chữa cháy ngay khi ngọn lửa mới bùng phát.
Trong khi đó, nhiều điểm rửa xe tại TPHCM và Bình Dương cũng có ý tưởng sử dụng chiếc máy Gamma-P100 này trong những mùa mất điện kinh niên. Còn một số đơn vị kiểm lâm cũng trao đổi ý tưởng với kỹ sư Thắng cung cấp cho các đội kiểm lâm cơ động chiếc máy bơm nước đa năng này để làm nhiệm vụ khống chế tức thời những đám cháy nhỏ có nguy cơ gây cháy rừng. Riêng tại Tây Ninh, một số cơ sở chuyên làm dịch vụ khoan giếng cũng tận dụng sản phẩm này để hút nước thay cho các máy bơm nước cồng kềnh và ngốn điện năng. Gần đây, nhiều nông dân còn kết hợp chiếc máy này với một số đầu voi phun sương để đứng từ xa có thể phun thuốc BVTV trên diện rộng, tránh nguy cơ ngộ độc thuốc.
Theo kỹ sư Thắng, tính đa năng của chiếc Gamma-P100 là không chỉ lắp được vào động cơ xe máy mà cũng có thể lắp vào bất cứ loại động cơ nào có công suất và tốc độ vòng quay từ 2.200 – 3.000 vòng/phút với đầu nối cỡ ống 42 mm. Khi chạy, Gamma-P100 có thể hút nước ở độ sâu 6 – 8m và bơm cao đến 12m với lưu lượng nước tối đa 18m khối/h, áp lực bơm đạt 4,5 – 6,5 kg/cm2.