00:00 Số lượt truy cập: 2669060

Máy bơm mủ cao su của Cường "liều" 

Được đăng : 03/11/2016
Chàng trai 29 tuổi Nguyễn Văn Cường, công nhân cạo mủ Công ty Cao su Phú Riềng, Bình Phước đã cải tạo thành công máy bơm mủ cao su từ máy phun thuốc trừ sâu và máy bơm nước ly tâm.



Nguy cơ mất một tháng lương


Ngày nắng, công việc đã nặng. Ngày mưa trơn trượt, anh em phải ì ạch từng bước, gồng người, bậm môi nâng mấy chục thùng mủ cao su (khoảng 30kg/thùng) đổ vào xe bồn cao ngất ngưởng. Có lúc trượt tay đổ mủ tung tóe lên thành xe, quần áo, tóc tai khiến chị em nhiều khi cười "méo xẹo" vì phải cắt bỏ vài lọn tóc.


Chàng trai Hải Dương 29 tuổi Nguyễn Văn Cường - công nhân cạo mủ Nông trường Minh Hưng, Công ty cao su Phú Riềng (Bình Phước) tự hỏi: "Tại sao ngoài lô anh em mình phải dùng sức người đổ mủ vào bồn trong khi máy móc làm chuyện đó trong nhà máy?".


Ý tưởng chế tạo chiếc máy bơm mủ cao su không đến nỗi làm anh mất ăn mất ngủ nhưng "ám ảnh" cả năm trời. Trong buổi họp tổ cách đây gần ba năm, anh "cả gan" ký giao kèo với tổ trưởng: anh có quyền "chủ xị" việc bơm mủ, mỗi tháng lĩnh thêm 700.000 đồng nếu bơm mủ cao su vào bồn nhanh gọn lẹ, ngược lại 1,2 triệu đồng tiền lương tháng đó coi như mất hẳn.


Một bước liều vì "thương cho anh chị em mình quá!". Lúc đó chỉ bật ra ý tưởng, hoàn toàn chưa có giải pháp nào chắc chắn. Nhiều người ngạc nhiên, nghi ngờ. Họ cười thầm vì anh công nhân "ngông" này chỉ mới học hết cấp hai.


Với bốn triệu đồng, anh "rinh" về nhà động cơ máy phun thuốc trừ sâu, máy bơm nước ly tâm thường dùng tưới cà phê rồi cải tiến thành chiếc máy bơm mủ bốn sức ngựa. Tuần đầu tiên thử nghiệm tại tổ, máy càng hoạt động mủ càng đổ ào ào ra ngoài. Nguyên nhân do phớt nước bằng cao su trong máy bị hở, rồi cháy vì mủ vón cục bám chặt vào, ban đầu bằng hạt cát rồi to dần.


Không nản lòng, anh tự nhủ "từ từ sẽ khắc phục, nhựa đường còn bơm được huống chi mủ cao su". Nghĩ ngợi mất 10 ngày, anh gắn phớt nước bằng đồng thay cho phớt nước cao su, cắt bớt một phần cánh quạt của bơm ly tâm cho phù hợp với công suất máy. Hai tháng sau, "căn bệnh" của máy bơm mủ biến mất hoàn toàn. Mọi người cứ lặng nhìn dòng nhựa trắng thơm ào ạt chảy vào bồn trong tiếng động cơ giòn giã. Có máy rồi, công nhân trên khắp nông trường không còn phải làm dây- chuyền-người vất vả trút mủ vào bồn và chẳng còn nơm nớp lo trời mưa.


Máy chạy ngon lành. Công ty cao su Phú Riềng mở ngay cuộc họp lớn chứng thực tính khả thi của sáng kiến và quyết định đầu tư khoảng 160 máy bơm mủ (khoảng 8 triệu/máy) cho 12 nông trường. Ngay lập tức, công ty thưởng "nóng" cho Cường ba triệu đồng, sau đó thêm ba triệu đồng nữa vì thấy vẫn còn chưa xứng tầm. Cường cười bẽn lẽn, gãi đầu gãi tai: "Lúc đó mình chẳng nghĩ đến tiền thưởng chỉ cảm thấy vui vì không phải mất một tháng lương!".


Tiết kiệm hàng nghìn công lao động


Cả tổ 35 người phải mất hơn một giờ đồng hồ mới trút hết 3.000 kg mủ vào bồn, máy bơm chỉ mất gần 30 phút, tốn khoảng 0,3 lít xăng. Trước đây gặp mưa, mọi người phải ngồi chờ thì bây giờ bơm mủ... vô tư. Công ty cao su Phú Riềng có khoảng 5.000 công nhân. Theo tính toán, mỗi tháng công ty tiết kiệm được 75.000 giờ tương đương 9.375 ngày công lao động (40.000 đồng/công). Số tiền tiết kiệm được mỗi tháng là 375 triệu đồng. Và con số cả năm lên đến hơn 3 tỷ đồng! Nhưng trên hết là giải phóng sức người.


Anh Nguyễn Văn Minh, Phó phòng Kỹ thuật Nông nghiệp - Công ty cao su Phú Riềng, cho biết máy bơm mủ rất dễ vận hành, thuận tiện trên mọi địa hình, gọn nhẹ bền lại ít hao xăng. Khi trời mưa hoặc xe vận chuyển mủ bị hư giữa đường, chỉ tốn một ít thời gian dùng máy bơm mủ sang xe khác chở về nhà máy, tránh tình trạng đông mủ làm giảm chất lượng sản phẩm.


"Người anh em" Công ty cao su Sông Bé (Bình Dương) cũng đã được Công ty cao su Phú Riềng lắp cho hơn chục máy bơm mủ. Ông Bùi Thiện Hậu, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nông trường Minh Hưng - Công ty cao su Phú Riềng cho biết: "Khi sử dụng máy bơm mủ, sản lượng mủ cao su càng nhiều thì lợi càng cao. Hiện nay đã có một số công ty cao su ở Đác Lắc, Kon Tum liên hệ với chúng tôi để sử dụng máy bơm mủ".


"Bây giờ máy bơm mủ không hoạt động nữa thì mệt anh em lắm, tâm trạng khó chịu cứ như bị cúp điện, cúp nước vậy. Nghĩ lại hồi xưa đổ mủ vào bồn bằng tay mà ngán quá" - Anh Dương Thanh Súy, Bí thư Đoàn cơ sở Nông trường Minh Hưng nói thay cảm nghĩ của anh em công nhân cao su.


Ngay cả bản thân anh Cường cũng không ngờ cái máy của mình lại "được việc" như vậy. Cười hồn nhiên, một chút mắc cỡ vì không thể mời khách vào ngôi nhà mới còn trống hoác, người đảng viên trẻ này trả lời chúng tôi về "sự ám ảnh" tiếp theo: "Đó là chiếc máy cắt mủ chén!".