00:00 Số lượt truy cập: 2987467

Máy gặt đập liên hợp “made in Đức Ngươn” 

Được đăng : 03/11/2016
Ở đất “chín rồng”, đã có nhiều Hai Lúa mày mò nghiên cứu, chế tạo ra những chiếc máy gặt đập liên hợp vừa nhỏ gọn, vừa thích hợp với đồng ruộng Nam Bộ, góp phần giải phóng sức lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Một chiếc máy GĐLH do cơ sở Đức Ngươn chế tạo.
Câu chuyện nghiên cứu và chế tạo thành công máy gặt đập liên hợp của anh Võ Đức Đạt, chủ cơ sở cơ khí chế tạo máy nông nghiệp Đức Ngươn ở ấp Phú Hội, xã Tân Hội (Tân Hiệp - Kiên Giang) khiến chúng tôi thật sự cảm phục...

Trên con đường đal (đường bê -tông) nhỏ hẹp, chúng tôi tìm đến cơ sở cơ khí chế tạo máy nông nghiệp của anh Đạt sau nửa giờ chạy xe máy. Trước năm 1992, nơi đây chỉ là cơ sở sửa chữa máy nổ nhỏ do cha anh Đạt là ông Võ Đức Ngươn làm chủ. Lúc đó, anh Đạt đang theo học Trường Đại học Kinh tế quốc dân và học thêm cơ khí tại Trường Kỹ thuật Cao Thắng (TP. Hồ Chí Minh). Năm 1992, anh Đạt tốt nghiệp đại học, đồng thời sở hữu thêm tấm bằng ngành cơ khí và về quê nối nghiệp cha.

Do xuất thân từ một gia đình nông dân nên anh Đạt luôn ôm ấp hoài bão làm cách nào để giải phóng sức lao động cho bà con, làm thế nào để chế tạo ra một loại máy nâng cao hiệu quả sản xuất.

Khi nghiên cứu tài liệu, ấn tượng đầu tiên của anh là chiếc máy gặt đập liên hợp (GĐLH) của Liên Xô (cũ), nhưng lúc đó người dân Kiên Giang đang cần nhiều thùng tuốt lúa. Anh Đạt suy nghĩ và quyết định đi Vĩnh Long học nghề đóng thùng tuốt lúa. Gia đình và bà con lối xóm không ai tin vào tay nghề của anh nên những chiếc thùng tuốt đầu tiên ra đời, anh phải bán chịu để họ chạy thử nghiệm. Thấy kết quả khả quan, anh quyết định sản xuất hàng loạt. Từ đó, thùng tuốt lúa hiệu Đức Ngươn nổi tiếng cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ năm 1994 đến năm 2000, công việc sản xuất thùng tuốt lúa đã ổn định, anh Đạt bắt đầu thực hiện ước mơ sản xuất máy GĐLH. Qua tìm hiểu, anh nhận thấy máy GĐLH của Liên Xô quá lớn, cồng kềnh, chỉ ứng dụng được ở các nông trường, đất bằng phẳng, khô ráo. Máy GĐLH của Trung Quốc nhỏ gọn hơn nhưng phải cải tiến một số chi tiết. Anh Đạt đã sang Trung Quốc 2 lần để tìm hiểu nguyên lý hoạt động của máy GĐLH Trung Quốc. Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, tự thiết kế bản vẽ, anh đã có thể sản xuất một loại máy GĐLH phù hợp với đồng ruộng Việt Nam.

Năm 2001, chiếc máy GĐLH đầu tiên do anh Đạt nghiên cứu đã ra đời. Sau khi chạy thử trên đồng, kết quả ấn tượng, tuy nhiên do sử dụng bánh hơi nên tầm hoạt động của máy còn hạn chế. Anh lại tiếp tục nghiên cứu, cải tiến bằng cách chuyển bánh hơi sang dây xích sắt tự chế, cải tiến một số bộ phận để máy hoạt động hiệu quả.

Thấy vậy, ngành cơ khí tỉnh Kiên Giang đã mời anh hợp tác sản xuất máy GĐLH và chiếc máy do anh chịu trách nhiệm kỹ thuật đã đoạt giải khuyến khích tại Hội thi máy GĐLH năm 2007. Cuối năm 2007, anh Đạt về cơ sở của mình tiếp tục cải tiến và sản xuất được 5 chiếc GĐLH ký hiệu MGĐN 1,8.

Năm 2008, bằng nguồn vốn tự có, cơ sở cơ khí chế tạo máy Đức Ngươn đã sản xuất theo đơn đặt hàng được 11 chiếc máy GĐLH, doanh thu trên 1,5 tỷ đồng. Đặc điểm nổi trội của máy GĐLH Đức Ngươn là hoạt động trên mọi địa hình: đồng khô, ruộng nước, lúa ngã đổ nhiều hướng. Kể cả khi trời có sương mù hoặc sau mưa, máy vẫn cho ra lúa sạch đẹp, lúa không theo rơm, tận thu lúa lửng, lúa lép.

Tiếng lành đồn xa, khách hàng tìm đến đặt hàng anh Đạt ngày càng nhiều, kết quả là năm 2009, cơ sở cơ khí Đức Ngươn sản xuất được 12 máy GĐLH ký hiệu MGĐN 1,9, doanh thu gần 2 tỷ đồng. Cũng trong năm 2009, anh Đạt ra mắt khách hàng dòng máy thứ 5 ký hiệu ĐN – 68, có chỉnh sửa, ít hư hao, năng suất tăng so với các mẫu máy cũ, giá thành hạ, đặc biệt dễ điều khiển, mẫu mã gọn, hiện đại. Thùng tuốt lúa được cải tiến đặt xuôi theo sườn xe. Máy đã đoạt giải thưởng Bông lúa vàng tại Hội chợ Expo Sóc Trăng 2009.

Anh Đạt rất muốn mở rộng khu sản xuất nhưng đang gặp khó khăn về vốn, do vậy anh đang cần tìm đối tác liên kết đầu tư để tạo dây chuyền sản xuất ổn định, phục vụ khách hàng tốt hơn.