Nhằm giúp bà con gieo sạ tốt, tiết kiệm giống và thời gian; giảm chi phí, sức lao động của nông dân, anh Đỗ Văn Dũng ở ấp 4, xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An đã sáng tạo ra “Máy sạ hàng cơ giới”. Sáng tạo của anh đã đạt giải ba Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông tỉnh Long An ” lần thứ 2 năm 2011 - 2012.
Nói về ý tưởng sản xuất ra loại máy này, anh Dũng cho biết: Trong quá trình canh tác của bản thân và bà con ở lân cận, anh thấy rằng giai đoạn sạ rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sản lượng lúa về sau. Và đặc biệt là phương pháp sạ hàng sẽ làm năng suất lúa tăng lên, đồng thời dễ kiểm soát sâu bệnh, cỏ dại. Tuy nhiên khi sạ hàng bằng tay lại có một số hạn chế như: không thể áp dụng trên diện tích đất lớn hoặc khi đất bị lún; khi ngưng lại thì hàng bị đứt quãng; trong khi sạ để lại nhiều dấu chân trên mặt ruộng, gây đọng nước... Từ thực tế đó, tháng 8/2008, anh bắt đầu nghiên cứu và chế tạo ra máy sạ hàng cơ giới. Đầu tiên anh chế tạo lại hệ thống ống sạ cho phù hợp, làm trống to hơn, chứa được nhiều lúa hơn (tổng cộng 4 trống chứa được khoảng 40 lít lúa giống), sử dụng tole dày 0,3mm. Loại tole này mỏng, dễ dập lỗ nhưng lại mềm, dễ bị biến dạng trong quá trình vận chuyển máy, nên anh đã đổi thành loại tole dày 0,5mm.
Tiếp theo là chế tạo hệ thống san bằng đất kết hợp đánh rãnh thoát nước: sử dụng thanh gỗ có chiều dài bằng chiều dài hệ thống trống, độ dày khoảng 30-40cm, sau đó gắn và điều chỉnh các răng đánh rãnh cho phù hợp.
Anh Dũng cho biết, khi thử nghiệm lần đầu, máy hoạt động tốt. Tuy nhiên chỉ sử dụng được cho vụ đông xuân, không sử dụng được cho vụ hè thu do bị vướng rơm rạ trên ruộng. Để khắc phục nhược điểm này, anh đã chế tạo thêm bộ phận nâng hạ máy sạ, có thể sử dụng để sạ cho cả hai vụ lúa. Ngoài ra anh còn gắn thêm bệ chứa giống là một tấm ván lớn, để chở những bao lúa giống theo trong quá trình sạ, rất tiện lợi lại tiết kiệm công lao động.
Hiện, máy sạ hàng cơ giới gồm có 4 ống hình tròn đường kính 23cm, mỗi ống dài 100cm. Có những lỗ nhỏ đóng thẳng hàng xen kẽ nhau. Dùng máy cơ giới kéo cho những ống sạ hàng quay đều, khi đó hạt giống sẽ rơi xuống trên mảnh ruộng cần gieo sạ.
Cấu tạo của máy gồm có các phần chính: 1. Hệ thống máy kéo; 2. Bệ chứa giống; 3. Hệ thống ống sạ hàng gồm 4 ống tròn, mỗi ống dài 1m, khoảng cách mỗi ống khoảng 10cm. Trên mỗi trống có 12 hàng lỗ, mỗi hàng ngang có 23 lỗ, mỗi lỗ đường kính 9mm; khoảng cách giữa 2 hàng 3,5cm; khoảng cách giữa 2 hàng đôi là 12cm; 4. Hệ thống sàn bằng gỗ (hoặc sắt) để san bằng đất chiều dài 4,3m (bằng chiều dài trống sạ lúa) và hệ thống răng bên dưới để đánh đường nước; 5. Hệ thống điều khiển nâng sạ máy sạ hàng; 6. Hệ thống điều khiển tốc độ quay; 7. 2 bánh sau (đường kính 70cm) gắn với bệ chứa giống, khoảng cách 2 bánh 1,4m.
Điểm sáng tạo của máy là khi sạ bằng tay đòi hỏi mầm hạt giống còn búp mới sạ được, nhưng với máy sạ hàng này thì vẫn có thể sạ tốt khi hạt giống đã nẩy mầm dài do điều khiển được tốc độ quay của trống. Máy vừa sạ vừa đánh đường nước (sạ hàng bằng tay thì không thể đánh đường nước). Hệ thống san bằng đất giúp giống lên đều và tốt hơn, hạn chế cỏ dại. Máy có thể điều chỉnh tốc độ quay nhanh hay chậm cho trống, làm cho các hàng đều hơn, không bị đứt quãng.
Việc vận hành máy cũng thật đơn giản, chỉ cần đổ giống vào khoảng 2/3 trống. Máy vận hành sẽ kéo bánh cao su, sự quay bánh xe khởi động hệ thống số. Hệ thống số giúp điều chỉnh tốc độ quay của trống. Muốn trống quay hay ngừng thì điều chỉnh hệ thống số này. Khi trống quay thì hạt giống được sạ đều kết hợp hệ thống san bằng đất và đánh đường nước phía trước.
Từ năm 2008 đến nay, anh đã sản xuất được 5 máy phục vụ cho bà con nông dân ở cả trong và ngoài tỉnh. Hiện nay anh còn đang nhận được nhiều đơn đặt hàng và nhận được sự ủng hộ của bà con do tính hiệu quả mà nó mang lại./.