Máy suốt lúa “Made in An Giang – Việt Nam” trên đất Chùa Tháp
Được đăng : 03/11/2016
Đó là sản phẩm của người thợ thủ công ở An Giang, chưa một lần dự triển lãm, hội chợ và quảng bá sản phẩm. Nhưng điều lạ lùng, nó lại quyến rũ nông dân bên đất Chùa Tháp sang tìm đặt mua, có người đã sử dụng được mới mai mối bán luôn… qua Thái Lan. Thế là chiếc máy suốt lúa An Giang vươn xa, vào thị trường Campuchia.
Tình cờ ráp mối làm ăn
Sang Cửa khẩu Tịnh Biên – Phnom Din, ngược quốc lộ 2 Ta Keo, đi dọc theo khu Phnom Din, Tà Lập, Gòi… thấy có nhiều chiếc máy suốt lúa, được nâng niu bằng mái che, để rải rác ven đường, lớp đậu trong các phum.
Chúng tôi hỏi anh bạn Tà Luông: “Nơi đây có cơ sở đóng máy suốt lúa, phải không anh?”. Anh cười cười: “Đồ của An Giang – Việt Nam đó. Qua bển đặt mua, chạy về mần, thấy ngon lành quá, bà con ưng bụng lắm”.
Qua Cửa khẩu Khánh Bình – Chray Thum, ngược quốc lộ 21 Kan Dal, đi về Phnom Penh, lại bắt gặp hình ảnh tương tự, anh Chen Nhan giải thích: “Vùng lúa tỉnh này, gần như xài máy của An Giang không hà. Nông dân Kan Dal rất thích máy suốt lúa Việt Nam, mà của An Giang sản xuất. Giáp ranh, qua lại mua bán, gần gũi dễ dàng hơn”.
Trong chuyến đi từ Kompong Speau về ngã ba Ta Keo, chạy thẳng luôn Kam Pot một đỗi, cũng thấy có mấy chiếc máy suốt lúa giống hệt, nhưng chỉ khác nhãn hiệu vẽ bằng chữ Campuchia. Tà Hai quả quyết với chúng tôi: “Máy đó của An Giang sản xuất, về đây người ta bôi chữ Việt, ghi lại chữ Campuchia để giới thiệu, ai đến hỏi giá xong bán luôn”.
Hôm tìm được chủ cơ sở sản xuất máy suốt lúa Nguyễn Văn Sơn ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, chúng tôi mới đem chuyện đó ra tham khảo, anh xác nhận mình có sản phẩm đã đưa sang Campuchia và bán luôn qua Thái Lan.
Anh Sơn hồ hởi: “Trước đây, có một nhóm người đến coi xưởng, ở chơi cả ngày, hỏi thăm đủ thứ, rồi đặt hàng. Tình cờ thôi. Tôi cứ tưởng bà con vùng Bảy Núi mình, nào ngờ đến khi giao máy, nhận tiền mới té ra người ở bên Campuchia”. Sau cuộc làm ăn xã giao, họ tới lui thường xuyên với anh, mỗi năm đều sang đặt hàng vài ba chục chiếc, tiền bạc luôn sòng phẳng và chưa hề lỗi hẹn. Hầu hết đều có quen biết, họ hàng với đồng bào Khmer ở địa phương.
Một số cơ sở sản xuất máy suốt lúa tại Xuân Tô (huyện Tịnh Biên), Vĩnh Bình, Vĩnh An (huyện Châu Thành), Mỹ Thới, Mỹ Hòa (thành phố Long Xuyên)… cũng tình cờ gặp gỡ hết sức ngẫu nhiên, dần dà đi đến quen biết, dẫn tới chuyện làm ăn ngày một nở nồi, không phải dân trong nghề ít ai biết họ từ Campuchia sang đây đặt mua máy suốt lúa. Huỳnh Văn Phúc (chủ cơ sở Hai Phúc) đã nói như vậy. Và, chính anh hiện đang nhận hàng gia công, bán máy cho người ở bên Phnom Penh qua đặt mua.
Dân vùng biên giới nói rằng, nông dân Campuchia rất khó tính, trước khi mua máy suốt lúa, đều đi xem xét kỹ lưỡng kiểu dáng, thăm dò giá cả rất nhiều nơi, coi máy hoạt động đạt yêu cầu họ mới đặt hàng.
Chủ cơ sở Văn Út tâm niệm: “Lúc nào cũng lo cho chiếc máy hoàn hảo, nên mình không ngại để họ so sánh. Làm ăn tính chuyện lâu dài, chứ không phải quơ hốt một hoặc hai cái máy là xong”. Nhờ vậy, mấy năm làm nghề chưa xảy ra tai tiếng, máy hoạt động vẫn tốt bình thường, kỹ thuật lắp ráp đều chú trọng đến chi tiết nhỏ. Các loại máy cũ, máy hoạt động nhiều ngày, muốn đổi bù tiền lấy máy mới cũng sẵn sàng.
Tiếp tục xuất khẩu qua... Thái Lan
Tại các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành và thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang), có hơn một chục xưởng cơ khí lớn nhỏ đang gia công máy suốt lúa cho khách hàng Campuchia, số lượng trung bình mỗi năm trên 500 chiếc, với giá dao động khoảng 5.000 USD/chiếc.
Chủ cơ sở Đỗ Văn Dũng còn kể cho nghe câu chuyện khá lý thú, chiếc máy suốt lúa An Giang – Việt Nam đã sang tới vùng Kompong Cham, rồi đi luôn qua Thái Lan, trong đó có sản phẩm của anh sản xuất.
“Nông dân Thái dùng suốt đậu nành tuyệt vời, họ khoái dữ lắm” - anh Dũng cười sảng khoái. Sau nhiều năm làm ăn, Đỗ Văn Dũng tiết lộ rằng, anh đã bán hơn 1.000 chiếc qua tận Thái Lan bằng con đường Kompong Cham và mối lái từ Phnom Penh sang, và đang tiếp tục lắp ráp máy suốt lúa và chào hàng thêm máy gặt đập liên hợp, khoảng 8.000 USD/chiếc.
Giới thợ thủ công thường nói vui, máy suốt lúa “Made in Việt Nam” không ngờ lại lan rộng trên đất Chùa Tháp, người dân Campuchia ưa chuộng, nhiều mối lái sang An Giang đặt hàng. Anh Sáu Dũng (Việt kiều) ở Phnom Penh nói: “Ngày nay, chiếc máy suốt lúa An Giang – Việt Nam được người Campuchia bán qua Thái Lan, từ 9.000 đến 10.000 USD/chiếc. Chứng tỏ sức hấp dẫn về mẫu mã đẹp và máy móc hoạt động chất lượng hơn hẳn sở tại”.