Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 6 (2008 - 2009) đã thành công tốt đẹp, Ban tổ chức đã trao 20 giải thưởng cho các tác giả có giải pháp hay và độc đáo. Trong đó, các giải pháp trong lĩnh vực cơ khí, tự động hoá, xây dựng và giao thông vận tải đã được đánh giá cao về tính ứng dụng và hiệu quả kinh tế. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu 2 giải pháp đạt giải đã được ứng dụng rộng rãi và đoạt được hiệu quả cao trong sản xuất.
Bằng sự sáng tạo và nỗ lực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Nhà máy Đường Phổ Phong (Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi) đã thiết kế, chế tạo thành công chiếc máy trồng mía hai hàng MT-02. Máy trồng mía MT-02 được chế tạo từ ý tưởng từ máy trồng mía một hàng mà nhà máy đã cải tiến thành công dựa trên bản vẽ của Nhà máy Đường Tây Ninh, Công ty Cổ phần Đường Biên Hoà cung cấp, nhưng có cải tiến một số chi tiết cho phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng tại Quảng Ngãi. Cùng sử dụng máy động lực là MTZ 982 nhưng máy trồng mía 1 hàng, một đường đi chỉ trồng được 1 hàng mía; còn máy trồng mía 2 hàng trồng một lúc được 2 hàng mía với khoảng cách hàng tuỳ chọn từ 0,8 - 1m. Máy có kết cấu gọn, nhẹ và có thể điều chỉnh độ nông, sâu khác nhau khi làm đất.
Máy trồng mía MT-02 được đưa vào sản xuất tại vùng mía Quang Thượng, xã Đức Lân (Mộ Đức).
Qua thực tiễn hoạt động nhận thấy, máy trồng mía MT-02 tiết kiệm được chi phí đầu tư và công lao động gấp nhiều lần so với trồng mía bằng thủ công. Thông thường khi trồng mía phải thực hiện các công đoạn như cày chù, cày chảo (một hoặc hai cần), bừa, cày rạch hàng, lột hom, chặt hom, rải hom, bón phân, lấp đất; trong khi đó, trồng mía bằng máy cùng lúc có thể giải quyết được nhiều công đoạn như cày rạch hàng, chặt hom, rải hom, bón phân và lấp đất. Ông Lương Ngọc Cảnh, tổ trưởng tổ cơ khí, Nhà máy Đường Phổ Phong cho biết: Mía giống sau khi được lột sạch vỏ đưa lên ca bin, người trồng mía chỉ việc đưa mía giống vào bộ phận cắt hom, từ đây máy sẽ thực hiện các công đoạn còn lại. Khi hoạt động máy còn kết hợp với bón phân lót và lấp đất lại. Năng suất làm việc từ 0,3 - 0,5 ha/giờ.
Đặc biệt vào mùa nắng, máy trồng mía còn kết hợp với tưới nước tạo độ ẩm cho đất. Nếu trồng 1 ha mía bằng thủ công mất 44 công lao động, thì trồng mía bằng máy 2 hàng chỉ mất 8 công. Tổng chi phí trồng mía bằng thủ công mất khoảng 2 triệu đồng/ha, thì trồng bằng máy trồng mía 2 hàng chỉ mất khoảng 900.000 đồng/ha. Như vậy, sử dụng máy trồng mía 2 hàng sẽ tiết kiệm được chi phí cho 1 ha là 1,1 triệu đồng (tiết kiệm 56% chi phí so với trồng mía bằng thủ công). Ngoài việc tiết kiệm thời gian và nhân công lao động, máy trồng mía hai hàng còn đảm bảo được độ tơi xốp của đất, làm cho cây mía sinh trưởng tốt, chịu hạn cao; đồng thời việc chăm sóc mía và thu hoạch bằng máy cũng thuận lợi hơn.
Sau khi chiếc máy trồng mía MT-02 được đưa vào áp dụng tại các vùng mía trong tỉnh (Đức Lân, Phổ Nhơn…) với diện tích trên 250 ha, đã tạo niềm vui phấn khởi cho người trồng mía trong tỉnh. Đến nay nhiều nơi trong và ngoài tỉnh đã đặt hàng mua máy, nhưng Nhà máy vẫn đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ hoàn tất các thủ tục cấp phép, rồi mới đưa vào sản xuất hàng loạt được - ông Nguyễn Ninh - Phó giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong cho biết.
Với hiệu quả mang lại, có thể nói việc đưa máy trồng mía 2 hàng vào đồng ruộng là một khâu đột phá trong công tác đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cơ giới hoá các khâu canh tác mía, góp phần nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm mía nguyên liệu, nâng cao thu nhập cho người trồng mía trong tỉnh.