00:00 Số lượt truy cập: 2668623

Máy tuốt lúa đa năng của 

Được đăng : 03/11/2016

Theo chỉ dẫn của anh Bùi Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Trung (Bình Sơn - Quảng Ngãi), chúng tôi tìm đến nhà anh Võ Công Khánh (45 tuổi) ở đội 2, xóm Tăng Lộc, thôn Phú Lộc để tận mắt thấy chiếc máy tuốt lúa đa năng do anh một nông dân mới học hết lớp 7 cải tiến thành công. Sản phẩm này đã được giới thiệu tại Hội thi nhà nông đua tài do Hội Nông dân tỉnh tổ chức.


Anh Khánh (trái) bàn giao máy tuốt lúa đa năng cho anh Trần Văn Phương.

Nhấp ngụm nước trà, anh Khánh tâm sự: "Ở nông thôn đã xuất hiện nhiều máy móc hiện đại như máy gặt đập liên hợp, máy cắt lúa, máy tuốt lúa có công suất lớn…, sẵn sàng hỗ trợ cho các chân ruộng phẳng, liên hoàn. Nhưng với các chân ruộng cao, bậc thang, trên triền dốc, thửa ruộng nhỏ thì việc đưa các công cụ có kích thước lớn, cồng kềnh vào hoạt động gặp rất nhiều khó khăn. Từ thực tế trên, mùa mưa năm 2003, tôi bắt đầu cải tiến máy tuốt lúa thông thường thành máy tuốt lúa đa năng".

Chiếc máy tuốt lúa đa năng có 9 bộ phận. Khung sườn được làm bằng nhiều thanh sắt mỏng, gọn nhẹ, có nhiều lỗ khoan để lắp đặt các bộ phận của máy. Vỏ bồ làm bằng tôn, chắc, nhẹ, thay cho vỏ bồ bằng gỗ của máy tuốt lúa thông thường. Trục quay bằng gỗ có nhiều răng, khi máy vận hành lúa rụng nhanh và sạch. Cần nâng máy được làm bằng sắt, khi máy di chuyển đến vị trí mới, đẩy cần nâng máy tiếp đất một cách vững chắc, đồng thời làm cho máy được nâng lên cao hơn mặt ruộng khoảng 30cm, từ đó máy sẽ hoạt động tốt trên chân ruộng trũng, có nước đọng.

Máng chứa lúa được làm bằng tôn nhẹ, khi lúa đầy bồ, chỉ cần mở khoá, máng sẽ tự động hạ xuống để lúa tuôn ra. Bánh xe cơ động được chế bằng vành xe máy phế thải, hàn gắn nhiều nan hoa, khi di chuyển chỉ cần đẩy máy nhẹ nhàng là đã có thể vượt qua nhiều địa hình khác nhau. Tay lái cũng được làm bằng phế liệu (ghi - đông xe đạp), rất dễ điều khiển. Khoan lắp đặt máy liên hoàn với trục quay, được bao bọc bằng tuýp sắt làm trục quay không bị vướng tạp chất và rơm rạ, tạo cho vòng quay của trục có tần suất cao. Ngoài ra, máy còn có chỗ để gắn dù che mưa, che nắng.

Anh Khánh phân tích: "Máy tuốt lúa thông thường được làm bằng gỗ cồng kềnh, trọng lượng nặng hơn, khi di chuyển phải có 2 người khiêng và chỉ ứng dụng được trên chân ruộng khô, công suất thấp. Tôi đã cải tiến máy gọn nhẹ, nhưng lại chắc chắn, di chuyển nhanh, nhẹ nhàng trên nhiều chân ruộng, giúp nông dân đỡ tiêu hao sức lực".

"Máy tuốt lúa đa năng trung bình mỗi ngày tuốt được 5 sào Trung Bộ (1 sào Trung Bộ = 500m2), trong khi máy tuốt lúa thông thường chỉ tuốt được 3 sào. Để vận hành máy đa năng chỉ cần 2-3 người, trong khi máy tuốt thông thường cần đến 4-5 người", anh Khánh nói.

Từ ngày có máy tuốt lúa đa năng cải tiến, mỗi ngày anh tuốt được 5 sào lúa, thu về 350.000 - 400.000 đồng. "Từ năm 2003 đến nay, tôi liên tục cải tiến các bộ phận của máy để máy hoạt động ngày càng hiệu quả. Đến nay, tôi đã bán được 5 máy cho bà con trong huyện", anh Khánh cho biết thêm.

Anh Trần Văn Phương, một nông dân ở cùng địa phương cho biết: "Thấy máy tuốt lúa đa năng của anh Khánh hoạt động hiệu quả, đầu vụ hè thu 2011, tôi đã đặt mua 1 máy với giá chưa đến 3 triệu đồng. Qua 1 vụ sử dụng, máy tuốt lúa đa năng hoạt động rất tốt".

Mới đây, anh Khánh đã được Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi chọn cử đi dự Festival Lúa gạo Việt Nam lần 2 năm 2011 tại Sóc Trăng. Tại lễ tôn vinh nông dân điển hình - tiên tiến - sáng tạo năm 2011 trong khuôn khổ Festival, anh là một trong 48 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT tuyên dương vì đã có thành tích tiêu biểu, sáng tạo trong sản xuất lúa gạo năm 2011.