Mới cuối tháng 10 nhưng sông Hồng qua Hà Nội đã trơ đáy Chống rét không nguy bằng... chống ấm! Cục Thủy lợi cho biết ngay sau khi có nhận định về diễn biến thời tiết bất thường trong mùa đông 2009, từ cuối tháng 9 đầu tháng 10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Thủy lợi theo dõi sát dự báo và diễn biến thời tiết để chủ động đối phó trong tình huống El Nino hoạt động mạnh. Hiện tại, các cty khai thác công trình thủy nông đang tập trung tích nước, nạo vét kênh mương ngay sau khi mùa mưa kết thúc. BQL các công trình thủy lợi đã họp và thống nhất các phương án và kế hoạch điều tiết nước cho vụ đông xuân 2009-2010. Thời gian tới, phòng Quản lí tưới tiêu (Cục Thủy lợi) sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng Cty điện lực Việt Nam lên kế hoạch điều tiết xả nước ở 3 hồ Hòa Bình, Thác Bà và thủy điện Tuyên Quang. Tuy nhiên cũng theo Cục này thì “kịch bản” chi tiết cho SX nhằm đối phó với dự báo xấu của thời tiết hiện vẫn chưa được tiến hành do thời gian từ nay tới vụ đông xuân hẵng... còn dài! Về diễn biến của thời tiết thời gian gần đây, ông Đặng Duy Hiển – trưởng phòng Quản lí tưới tiêu (Cục Thủy lợi) cho biết hiện đang theo dõi sát diễn biến của hoạt động El Nino mà cơ quan KTTV đã cảnh báo. Tuy nhiên đến thời điểm này biểu hiện của El Nino là chưa rõ rệt. Mặc dù vậy, số liệu từ các cơ quan thủy văn miền Bắc cho thấy lượng nước tại các sông đang thấp hơn mức trung bình nhiều năm (TBNN) khá lớn. Tại trạm Thủy văn Hà Nội, mực nước đo được trên sông Hồng 1 tháng trở lại đây đang ở mức cạn hơn TBNN từ 1 đến 2m, hiện đang ở mức dưới 1,5m và sẽ tiếp tục xuống thấp hơn do thời gian được dự báo sẽ không có mưa đáng kể. Lo ngại hơn, mặc dù mùa mưa đã kết thúc nhưng tới đầu tháng 11, mới chỉ có 2 trong tổng số 17 hồ thủy lợi vừa và lớn tại 8 tỉnh miền Bắc là đã tích đủ nước. Cục Thủy lợi đánh giá hiện các hồ chứa mới chỉ đạt hơn 80% dung tích thiết kế và khả năng tích thêm nước là rất ít. Một số hồ như Yên Lập (Quảng Ninh) mực nước hiện thấp hơn mức thiết kế hơn 5m, đạt 57% dung tích; hồ Đồng Mô (Hà Nội) thấp hơn 4,8m, đạt 34% dung tích; hồ Tràng Vinh (Quảng Ninh) thấp hơn 4m, đạt 54% dung tích... Xung quanh dự báo mùa đông năm nay sẽ ấm hơn các năm do El Nino, ông Đặng Duy Hiển lo ngại cho biết kinh nghiệm của các nhà nông nghiệp thì vụ đông xuân năm nào càng rét đậm càng được mùa và ngược lại. Vì vậy việc chống rét còn dễ hơn chống ấm rất nhiều! “Nền nhiệt độ cao sẽ làm cho lúa đông xuân trổ đòng sớm hơn khiến sâu bệnh dễ bùng phát và nguy cơ mất mùa rất cao. Muốn hạn chế hiện tượng này cần phải có đủ nước tưới ngập chân ruộng từ 3 đến 5cm để hạn chế sâu bệnh. Vì thế nếu hạn do El Nino xẩy ra, miền Bắc sẽ đối mặt với một khó khăn kép” – ông Hiển nhận định. Nước không thiếu, chỉ lo... không lấy được Mặc dù có đưa ra cảnh báo về sự thiếu nước cho vụ đông xuân sắp tới, tuy nhiên ở một khía cạnh khác, ông Hiển trấn an rằng trong trường hợp xấu xảy ra, nước cho miền Bắc vẫn không đáng ngại. Bằng chứng là vào các năm 2004, 2007 được xem là các đợt hạn lịch sử nhưng vùng ĐBSH vẫn có đủ nước tưới và được mùa. Theo phân tích của ông Hiển thì đặc điểm địa hình ở ĐBSH cho phép hầu hết sông ngòi khả năng dầm nước rất tốt chứ không như sông ở miền Trung lúc hạn nặng có thể trơ đáy. Chỉ có điều lo là không lấy được nước mà thôi. Thất thoát nước: 60%! Trước mối lo về nước cho vụ đông xuân tới, ông Đặng Duy Hiển tiết lộ, hiệu suất sử dụng nước hiện nay ước tính trung bình chỉ khoảng 60%. Nghĩa là 10m3 nước đi từ trạm bơm về tới chân ruộng thì chỉ còn hơn 4m3. Tại miền Trung, vì thất thoát nước nên nhiều nơi 1 hecta lúa mỗi vụ “ngốn” hết 18 nghìn m3 nước – cao gấp đôi miền Bắc. Nguyên nhân của việc thất thoát nước này theo ông Hiển thì vô vàn. Nhưng tóm lại chủ yếu do hệ thống thủy lợi xuống cấp quá mạnh. Với mong muốn nắm được chi tiết về tình trạng lãng phí nguồn “vàng trắng” này, chúng tôi tới hỏi ông Hà Lương Thuần - viện trưởng Viện nước, Tưới tiêu và môi trường (Viện Khoa học Thủy lợi) thì được ông Thuần trả lời: “Vấn đề này rất hay! Tuy nhiên tôi đi họp chỉ nghe nơi này nơi kia nói bập bõm chứ hình như cả chục năm nay chưa có công trình nào nghiên cứu cụ thể”. Cảnh báo chúng cho một số khu vực như Mê Linh, Thạch Thất, Phúc Thọ (Hà Nội); Quế Võ, Từ Sơn, Gia Bình (Bắc Ninh); Hưng Hà, Vũ Thư (Thái Bình); Khoái Châu, Như Quỳnh, Văn Lâm (Hưng Yên)... sẽ là các khu vực khó lấy nước nhất khi có hạn. Để khắc phục tình trạng “miệng hút treo trên nước” này chỉ còn cách huy động các máy bơm dã chiến, bơm truyền... Đương nhiên, nông dân sẽ phải bỏ ra chi phí cho việc lấy nước kiểu này cao hơn nhiều. Tại các tỉnh Trung du MNPB và Đông Bắc bộ, ông Hiển cảnh báo ngay từ bây giờ phải cực kỳ “dè sẻn” nước bởi nếu hạn xảy ra, ngoài các hồ chứa vốn đã không đủ đáp ứng ra không có sông nào đáng kể. |