Nắng nóng kéo dài, trời chẳng đổ mưa, cả dải đất miền Trung đang quay quắt vì hạn hán. Người khô, đồng cạn, chẳng biết bao giờ cơn bĩ cực này mới đi qua.
Hà Tĩnh: Gần 60 ngày trông mưa
Theo số liệu từ Sở NN-PTNT cho đến chiều qua 2/7, Hà Tĩnh đã có gần 3.000ha lúa HT đang chết dần chết mòn do hạn hán, nắng nóng kéo dài.
Đã gần 2 tháng nay, người dân Hà Tĩnh phải gánh chịu liên tiếp những đợt nắng nóng kéo dài với nhiệt độ cao thường xuyên duy trì ở mức từ 37 – 40 độ C. Người khô, đồng cạn, gia súc khát nước, thiếu cỏ. Đáng lo nhất nhiều diện tích đã gieo cấy hoặc chuẩn bị gieo cấy đang bị khô hạn nghiêm trọng. Tính đến hết ngày 2/7 toàn tỉnh đã có tới 7.670ha lúa nguy cơ mất trắng nếu trong vòng một tuần nữa trời vẫn không có mưa. Hiện tại toàn tỉnh đã có gần 3.000ha lúa có nguy cơ chết dần, mất khả năng hồi phục. Đây là những con số giật mình khi nông dân Hà Tĩnh dường như chỉ có nguồn hu duy nhất từ cây lúa.
Chúng tôi đến huyện Thạch Hà giữa trưa hè nắng gắt, chỉ mới hơn 10h sáng ngoài đồng đã vắng bóng người. Giữa cái ngắng như thiêu như đốt này, mặc cho lúa chết nông dân ở các xã Thạch Tiến, Thạch Kênh, Thạch Liên, Thạch Thanh...tất cả đều bó tay vì lấy đâu ra nước mà bơm tát cứu lúa. Phó Trưởng phòng NN- PTNT huyện dẫn chúng tôi đến xã Thạch Ngọc, nơi bị hạn hán nặng nhất. Không thể tưởng tượng được trước mặt chúng tôi là những cánh đồng trắng một màu đất, gần như không có màu xanh của lúa.
Chị Nguyễn Thị Lan – thôn Tân Tiến chỉ tay về ruộng lúa nhà chị bị chết nhiều nhất thôn nói với chúng tôi: “Nông dân Thạch Ngọc chưa từng chứg kiến lần hạn hán nào nặng nề như năm nay. Lúa cấy xuống hơn tháng trời rồi mà không hề có được giọt mưa. Anh tính gió mùa tây nam thổi ràn rạt suốt ngày đêm, trời lúc nào cũng như chảo lửa, thời gian nắng nóng kéo dài từ sáng sớm đến 11 - 12h nên mực nước ở khe lạch, sông suối hầu như cạn kiệt hoàn toàn. Không có nước tưới, nông dân Thạch Ngọc đành bó tay nhìn...trời. Nói thật nhìn ruộng lúa tôi xót ruột lắm. Chẳng biết từ giờ đến cuối năm sống bằng gì đây”.
Rời Thạch Hà, chúng tôi vào huyện Kỳ Anh, huyện bị thiệt hại nặng nề nhất vì nắng hạn. Theo số liệu của ngành NN- PTNT đến cuối ngày 2/7, Kỳ Anh có gần 1.000ha lúa bị chết. Gió Lào thổi mạnh khiến nhiều diện tích lúa mới cấy ở các xã như Kỳ Thư, Kỳ Hải, Kỳ Hà, Kỳ Châu...khô cháy, người mới đến không nhận ra đây là ruộng lúa. Một số bà con nông dân trong vùng cho biết: "Hạn hán kéo dài là một lý do nhưng sự cố nặng nề nhất là vừa qua công trình thuỷ lợi Sông Trí ngăn dòng trên thượng nguồn, trước khi ngăn dòng Ban quản lý công trình không có phương án chống hạn dẫn đến “Thượng điền tích thuỷ, hạ điền khan”.
Ngoài huyện Thạch Hà và Kỳ Anh thì một số huyện khác như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Nghi Xuân, Can Lộc, TX Hồng Lĩnh...nhiều diện tích lúa cũng nứt nẻ, cây lúa cứ héo dần rồi khô cong. Trời vẫn không mưa, người nông dân thì đã vét đến những giọt nước cuối cùng. Theo nhận định của Đài KTTV trong vùng nắng nóng có thể còn kéo dài ngày, việc chống hạn vì thế sẽ cực kỳ gay go. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Chất liên tục gửi công điện khẩn xuống các địa phương kêu gọi tập trung chống hạn: những công trình thuỷ lợi còn nước cần tăng cường chỉ đạo mở nước, bơm nước, phân phối nguồn nước hợp lý; tập trung dẫn nước, ép nước về các vùng cuối kênh, vùng cao vùng xa để chống hạn.
Ông Trần Quốc Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT- người được tỉnh phân công chịu trách nhiệm về việc chống hạn cho rằng, để giúp Hà Tĩnh chống hạn, Chính phủ và các Bộ ngành TƯ cần quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, đơn vị trong tỉnh để mua máy bơm dầu, máy bơm dã chiến, chi trả tiền dầu, tiền điện chạy máy bơm chống hạn.
Nghệ An: Trong hạn, ngoài mặn Nóng 37 đến 40 độ C kéo dài liên tục trên 30 ngày qua tại Nghệ An đã khiến mực nước tại các vùng thượng lưu và hạ lưu các cống Nam Đàn, Bến Thuỷ, Nghi Quang và Diễn Thành đều thấp hơn mực nước thiết kế từ 0,1- 0,7m. Mực nước các hồ chứa cũng giảm 10% so với năm ngoái. Đặc biệt nắng nóng kèm theo gió Tây Nam thổi mạnh gây bất lợi lớn cho SXNN. Thống kê chưa đầy đủ có 9.932ha lúa HT và mùa sớm đang đói nước nghiêm trọng, trong đó 6.000ha hạn gay gắt. Điều làm cho các đơn vị thuỷ nông tại Nghệ An lo ngại là trong quá trình nỗ lực vận hành các hệ thống máy bơm để hút nước chống hạn cho lúa tại hai hệ thống Thuỷ lợi Bắc và Thuỷ lợi Nam Nghệ An có thể sẽ bị nước mặn xâm nhập vào nội đồng các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc... Sáng 1/7, ông Trần Hữu Lực, PGĐ Sở NN- PTNT đã tổ chức họp khẩn khối thuỷ nông bàn cách chống hạn. Ông Lực chỉ đạo, đối với các trạm bơm thuộc hệ thống thủy lợi Bắc, Nam phải kiểm tra độ mặn để lấy nước ngọt từ sông Lam, sông Cấm, kênh Gai, kênh Hoàng Cần, sông Vinh, sông Bùng vào cho các trạm bơm tưới . |