Mở bể than Đồng bằng sông Hồng: "Vựa" lúa sẽ ra sao? Chúng tôi dự kiến có 4 dự án thử nghiệm công nghệ và sẽ tiến hành tại Hưng Yên, Thái Bình. Nếu tìm thêm được đối tác, TKV sẽ đề nghị Chính phủ cho thử nghiệm thêm các phương án công nghệ khác. Bởi nếu áp dụng càng nhiều công nghệ thì độ chính xác càng cao. Chúng tôi đề xuất 4 loại hình công nghệ là khai thác hầm lò nông, hầm lò sâu, khí hóa hầm lò nông và khí hóa hầm lò sâu. Mục tiêu thử nghiệm là để bảo vệ an toàn mặt đất và nguồn nước. Về lý thuyết, càng đào sâu thì độ an toàn càng cao, nhưng sẽ gây lãng phí tầng than ngầm phía trên. Hiện tại, việc nhập khẩu than đang rất khó khăn, thậm chí là không thể. Vì vậy, để đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng thì việc mở bể than ĐBSH là cấp thiết. Xin ông cho biết quy trình khai thác than ở Quảng Ninh và ĐBSH khác nhau như thế nào? Ở Quảng Ninh, 70% là khai thác lộ thiên (bốc đất phía trên rồi đào lấy than), 30% là khai thác hầm lò. ở ĐBSH, phương pháp lộ thiên bị loại bỏ hoàn toàn, chỉ còn phương pháp hầm lò và khí hóa than ngầm dưới lòng đất. Về vấn đề môi trường, với cách khai thác lộ thiên như Quảng Ninh, 1 tấn than phải bóc khoảng 7m3 đất. Còn tại ĐBSH, việc khai thác hầm lò, đất đá lẫn trong than chỉ chiếm tối đa 10%, số đất đá này có thể đưa lại điểm khai thác. Còn công nghệ khí hóa than ngầm, phần tro chiếm khoảng 30% sẽ nằm lại hầm lò. Về sản phẩm, cả 2 địa điểm đều cho ra than, nhưng ở ĐBSH có thêm sản phẩm là khí nên việc sử dụng và vận chuyển dễ dàng, hạn chế được vấn đề ô nhiễm môi trường. Tại ĐBSH không có hiện tượng nổ mìn, vận chuyển than bằng hệ thống đường sông nên môi trường không phải là vấn đề lớn. Điểm thứ tư là, để khai thác than tại Quảng Ninh, chúng tôi chỉ cần bảo vệ đường điện, đường tàu nhưng ở ĐBSH phải bảo vệ tầng đất cách mặt đất khoảng 150m. Vì đây là tầng chứa nước nên để an toàn, chúng tôi đề xuất chỉ khai thác ở tầng cách mặt đất 450m trở xuống. Xin ông giải thích thêm về 2 phương pháp là khí hóa tầng ngầm và khai thác hầm lò? Hầm lò là phương pháp khai thác truyền thống, tức là đào hầm và đưa công nhân xuống khai thác than để vận chuyển lên. Còn khí hóa than ngầm là chỉ cần khoan 2 lỗ thông nhau, 1 lỗ sẽ thổi ôxy xuống đốt, còn lỗ kia sẽ hút khí lên. Khí ở đây là CO (khí cháy được), độ đậm đặc thấp nên sử dụng cho việc phát điện, làm phân bón, thuốc nổ... Có nhiều ý kiến lo ngại về hiệu quả kinh tế trong việc khai thác than ở ĐBSH không cao, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Nếu so sánh với Quảng Ninh, giá thành khai thác than ở ĐBSH không cạnh tranh được. Vì, nếu việc khai thác diễn biến như hiện nay, giá thành than tại ĐBSH lên đến 45 USD/tấn, còn Quảng Ninh chỉ 20-25 USD/tấn. Nhưng nếu so sánh với giá than nhập khẩu 135 USD/tấn thì 45 USD/tấn than ĐBSH sẽ cạnh tranh được. ĐBSH là một trong hai vựa lúa lớn nhất cả nước. TKV nghĩ sao về vấn đề an ninh lương thực tại đây? Giữa an ninh lương thực và an ninh năng lượng, tôi cho rằng an ninh năng lượng căng thẳng, gay cấn, bức xúc hơn rất nhiều. Hiện chúng ta đang xuất khẩu cả lương thực và năng lượng. Tuy nhiên, trong tương lai gần, chúng ta sẽ phải nhập khẩu năng lượng. Đề án này có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực nhưng không đáng kể và chưa bằng một sân golf. Nếu tính cả 11 dự án được triển khai, tổng số đất nông nghiệp dự kiến phải chuyển đổi mục đích sử dụng tối đa là 1.500ha, vẫn chưa bằng diện tích bồi đắp 1.600ha hàng năm của tỉnh Nam Định. Vậy việc khai thác than có ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, trồng lúa nước của bà con nông dân? Sẽ không gây xáo trộn nhiều cho bà con nông dân. Mục đích khai thác than là bảo vệ an toàn tầng đất mặt. Khi đã bảo vệ được thì vấn đề môi trường, sinh hoạt, làm nông nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Ngược lại, khi khai thác than thành công, nhiều dự án như nhà máy điện sẽ được triển khai, giúp người dân địa phương có thêm việc làm và đời sống chắc chắn được nâng cao. Xin cảm ơn ông! |