Bằng sự năng động, dám nghĩ, dám làm, cùng với sự tư vấn, giúp đỡ về tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống vốn của các cấp Hội, không ít hội viên vươn lên trở thành những mô hình kinh tế tiêu biểu, có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Hội viên Nguyễn Văn Thành ở Chi hội Trung Thành, xã Đại Lai là một điển hình như thế.
Sau nhiều năm gắn bó với ruộng đồng, công việc nhà nông vất vả tối ngày, song kinh tế gia đình anh Thành cũng chỉ tạm đủ ăn. Năm 2003, khi địa phương có chủ trương chuyển dịch ruộng trũng sang nuôi trồng thuỷ sản, nắm bắt được cơ hội, anh mạnh dạn nhận đấu thầu 5.170m2 ruộng trũng cấy lúa năng suất thấp chuyển sang làm kinh tế VAC.
Từ đồng vốn tích lũy, vay mượn của bạn bè, người thân và vay qua kênh tín chấp của Hội Nông dân, anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng và nhiều ngày công lao động, đào đắp quy hoạch ao nuôi cá với diện tích 3.700m2, xây dựng hệ thống chuồng trại 300m2, hệ thống bờ bao 1.000m2.
Là người chắc chắn và có chí vươn lên trong làm kinh tế, anh luôn tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản qua sách vở, ti vi; tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội tổ chức. Qua đó, đã giúp anh rất nhiều trong phương pháp làm ăn mới: những năm đầu lập nghiệp do thiếu nguồn vốn, anh đã áp dụng phương pháp lấy ngắn nuôi dài, vừa làm vừa tích luỹ, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển sau này.
Đến nay, quy mô sản xuất của gia đình anh đứng vào diện nhất, nhì trong xã. Với diện tích 3.700m2 mặt nước được anh nuôi các giống cá như: trắm, rô phí đơn tính, trôi, chim trắng với năng suất đạt 3,7 tấn mỗi năm. Trong chuồng luôn có từ 20-30 con lợn mỗi lứa, 200 vịt đẻ và 100 gà sinh sản. Trong chăn nuôi, anh đặc biệt chú trọng chọn con giống, phòng bệnh và áp dụng phương pháp chăn nuôi bán công nghiệp. Do đó, tỷ lệ đàn vật nuôi ít bị thất thoát, giảm được tiền mua thức ăn. Với phương châm tận dụng triệt để mọi nguồn lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế, hệ thống chuồng trại được xây dựng liên hoàn ngay cạnh bờ ao, tận dụng các phụ phẩm từ chăn nuôi làm nguồn thức ăn dồi dào cho cá, giúp giảm chi phí đầu vào trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế khi thu hoạch.
Cùng với đó, anh còn trồng nhiều loại cây ăn quả trên diện tích đất 1.000m2 xung quanh bờ ao. Nắm bắt được nhu cầu của người chăn nuôi quanh vùng, anh đứng ra làm đại lý thức ăn gia súc, gia cầm và tạo điều kiện cho các hộ nông dân mua thức ăn chăn nuôi theo phương thức trả chậm. Nhờ đa dạng hoá cách làm ăn nên nguồn thu nhập của gia đình cũng khá lên. Anh Nguyễn Văn Thành cho biết: tổng thu nhập từ mô hình năm 2009 là 1,8 tỷ đồng, trừ mọi chi phí khấu hao sản xuất còn lãi 137 triệu đồng.
Với hiệu quả kinh tế thu được, mô hình kinh tế của gia đình anh đã thu hút không ít hội viên ở trong xã đến học tập và ứng dụng. Gia đình anh Thành cũng luôn đạt danh hiệu “Gia đình nông dân văn hoá”.