00:00 Số lượt truy cập: 2669505

Mô hình VAC ở vùng đất cát ven biển 

Được đăng : 03/11/2016

Đặc điểm của vùng này là đất xấu, nghèo mùn, nghèo đạm và các chất dinh dưỡng khác, tỷ lệ cát thường chiếm 95%. 


Ở các tỉnh ven biển miền Trung trong mùa hè có gió Lào khô nóng thổi xen kẽ từ tháng 4 đến tháng 8 và tháng 10 đến tháng 3 năm sau có gió mùa đông bắc lạnh và ẩm. Gió mạnh làm cát bay tạo thành các cồn cát di động và vùi lấp làng mạc. Mưa lớn và tập trung vào mùa mưa tạo thành các suối cát, lũ cát. Đất cát không có khả năng giữ nước nên trong mùa khô mực nước ngầm tụt xuống quá sâu, thiếu nước nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp và đời sống.

1. Trên các đụn cát và cồn cát

Mô hình VAC ở đây là trồng rừng kết hợp với chăn nuôi dưới tán rừng và trồng cây công nghiệp. Trên các đụn cát mới bồi ngay sát bờ biển, đất còn tốt nên trồng ngay các dải rừng phi lao, nhằm ngăn chặn cát bay và chống thoái hóa của đất cát do rửa trôi, đồng thời cung cấp gỗ, củi cho dân sinh... Nốt sần rễ phi lao có khả năng cố định đạm.

Trên các cồn cát di động, đất đã xấu đi nên phi lao mọc kém, cây thấp, nhưng nhờ tán rừng cản gió, hệ rễ phi lao đan chéo chằng chịt nên các hạt giống cỏ và các loài cây bụi thân gỗ được giữ lại - mọc lên tạo thành quần lạc thực vật.

2. Trên đất cát ven biển

Dạng đất này có địa hình tương đối bằng phẳng và thấp, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng do ảnh hưởng của gió và cát bay nên năng suất cây trồng thấp. Mục tiêu của mô hình VAC ở đây là ổn định và tăng năng suất sản xuất nông nghiệp với việc trồng rừng phòng hộ.

Ở một số địa phương khu vực giữa và Nam Trung Bộ (Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng) nhân dân đã xây dựng các ô vuông theo hình bàn cờ thành từng thửa ruộng hình vuông rộng 50 ´ 50 m. Xung quanh ruộng đắp các bờ cát cao 0,8-1,2 m, mặt bờ rộng 0,6-1,0 m. Trên bờ trồng hai hàng phi lao, giữa các ô (thửa) ruộng có các bờ cát gần nhau hơn và các hàng phi lao trồng rất dày để phòng hộ cho các cây nông nghiệp trồng trong ruộng. Phương thức canh tác là trồng xen canh gối vụ lúa, lạc, vừng, kê, củ đậu. Cây phi lao cho thu hoạch gỗ, củi đun...; lá dùng làm phân cho khoai lang, có nơi người ta trồng cỏ ở hai mép bờ ruộng để chống sụt cát.

Ở một số địa phương thuộc phía bắc Trung Bộ (Nghệ An, Hà Tĩnh) - nơi có nhiều kinh nghiệm thì cơ cấu VAC phong phú hơn và gồm các mô hình sau:

- Cây lâm nghiệp: phi lao, sú vẹt, xoan, tre, mây.

- Cây công nghiệp: dừa, dâu tằm, thầu dầu, lạc, kê.

- Cây nông nghiệp: lúa, ngô, khoai lang, đậu đỗ, dưa các loại.

Cách thiết kế vườn như sau:

Từ bờ biển vào là: trồng một băng phi lao rộng 80-100 m, sau đó đào một lạch cạn rộng 2-3 m, phía trong trồng phi lao xen cây nông nghiệp (lạc, đậu, thầu dầu...) theo băng rộng khoảng 100 m, tiếp đến là trồng tre, mây, dừa, dâu nuôi tằm..., phía trong là làng xóm.

Do đã có rừng phòng hộ và những băng rừng trồng hoặc trồng xen canh nên mùa màng ổn định, cơ cấu VAC có thể thực hiện thuận lợi. Rừng và vườn rừng đã mở đường cho VAC phát triển toàn diện như chăn nuôi bò, lợn, gia cầm, nuôi cá nước ngọt và nước lợ. Nhiều loại cỏ chịu khô hạn mọc dưới tán rừng phi lao có thể chăn nuôi bò thuận lợi.

Ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên đã chọn được những giống bò tốt thích nghi với điều kiện khô, nóng, thiếu nước ngọt, biên độ nhiệt độ ngày đêm lớn. Ngoài ra, người ta còn chăn nuôi cả hươu, thỏ, o­ng, tằm dâu, lợn, gia cầm... ở đây có tập quán phơi khô nghiền bột các loại dây lang, dây lạc... làm thức ăn dự trữ cho vật nuôi hoặc bán ở chợ như bán cám gạo hay cám ngô.

3. Trên đất cát biển bằng

Loại đất này phân bố khá sâu vào phía trong đồng ở hầu hết các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng... Nhiều vùng đất được trồng lúa - màu và chuyên màu. Nhiều vùng đất được làm vườn nhiều tầng cây như cau, cam, quýt, dâu tằm, chuối, đu đủ, dứa, củ dong, sắn... (Thừa Thiên Huế), đào lộn hột, na, dứa, dâu tằm, đậu đỗ...

Đặc điểm đất ở đây là đất cát, chóng khô, mực nước ngầm cao nên cần lên luống cao, trộn thêm đất sét, phân hữu cơ và tăng cường biện pháp chống hạn./.