Mặc dù là người đi sau phong trào chuyển đổi cây trồng ở huyện Châu Thành, nhưng mô hình của anh An lại mang hiệu quả kinh tế cao, bởi anh chịu khó nghiên cứu học hỏi ở nhiều mô hình sản xuất trong, ngoài tỉnh, đọc sách báo, tài liệu, dự các lớp tập huấn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của huyện, tỉnh tổ chức để đúc kết kinh nghiệm áp dụng. Năm 2000 anh chuyển 2 ha đất trồng lúa sang đào mương, xẻ luống trồng thanh long, áp dụng kỹ thuật trồng thưa với khoảng cách 5 mét/gốc để lấy ánh sáng rọi vào gốc, sau khi thu hoạch anh chịu cực đào rãnh nhỏ cách gốc từ 0,6-0,7 mét chung quanh gốc rồi bỏ phân hoá học kết hợp phân hữu cơ bón xuống lấy đất bùn lắp lên phủ gốc, năng suất đạt từ 20-25 tấn trái/ha. Anh tận dụng đất trống giữa các cây thanh long để xen vào trồng rau như đậu bắp, rau muống, rau lang, cải bắp để diệt cỏ dại, làm xốp mặt đất để có nguồn thu thường xuyên. Đến năm 2005 anh thuê lao động nạo vét mương lấy đất sâu 1,5 mét để bồi lên liếp, cho đất vào gốc thanh long để trữ nước bơm tưới thanh long và sử dụng mương để thả từ 100-150 ký các giống các loại như cá điêu hồng, cá phí, cá chép, cá hường để tận dụng rau vạt cho cá ăn. Năm 2007 anh tiếp tục mở rộng mô hình, lúc đầu chỉ nuôi từ 50-100 con lợn thịt, rồi phát triển lên 250-300 để lấy phân cho cá ăn mà không phải tốn thức ăn cho cá.
Nhờ mô hình kép kín, từ năm 2007 đến nay, mỗi năm anh An xuất chuồng từ 500-600 con lợn thịt, 4-5 tấn cá thịt, gần 50 tấn thanh long, hàng chục tấn rau xanh, trừ chi phí, thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Đầu năm 2010 anh còn vận động bà con thành lập hợp tác xã trồng và thu mua thanh long của thị trấn Tầm Vu với gần 50 ha. Với cương vị chủ nhiệm hợp tác xã, anh đã huy động bà con trồng thanh long để tạo ra sản lượng ổn định xuất khẩu.