Trước tình hình khó khăn về thị trường tiêu thu cói, nhiều hộ dân các xã Nga Tân, Nga Thủy, Nga Tiến đã thực hiện mô hình trồng cói kết hợp với nuôi trồng thủy sản.
Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 60 ha cói được chuyển đổi theo mô hình trên. Từ thành công bước đầu, huyện đang định hướng quy hoạch, chuyển 250 ha cói năng suất thấp sang kết hợp trồng cói với nuôi trồng thủy sản.
Gia đình anh Phạm Thái Cơ, xóm 6, xã Nga Tân là một thí dụ khá điển hình của mô hình này. Đầu năm 2008, gia đình anh Cơ đã mạnh dạn đầu tư 40 triệu đồng để đào ao và chuyển đổi 1 ha diện tích đất trồng cói kém hiệu quả sang kết hợp trồng cói với nuôi trồng thủy sản.
Ngoài nuôi các loại cá nước ngọt như cá chuối, cá mè, cá trôi, cá trắm, gia đình anh còn thử nghiệm thêm nhiều loại thủy sản nước mặn như tôm sú, cá lóc bông, cá bống bớp. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, đến nay, nhiều loại thủy sản đã cho thu hoạch. Riêng các loại cá lóc bông, tôm và cá chuối đã giúp gia đình anh thu lại được 35 triệu đồng tiền vốn. Sắp tới, gia đình anh sẽ tiếp tục xuất bán 2,5 tấn cá trắm và khả năng sẽ thu số tiền khoảng 75 triệu đồng.
Ngoài hiệu quả từ nuôi trồng thủy sản mang lại cây cói cũng phát triển tốt hơn nhờ nguồn phù du và chất thải của các loại thủy sản. Tuy nhiên việc cải tạo đồng ruộng không dễ dàng, nhất là khi hệ thống kênh mương tưới tiêu, các công trình thủy lợi chưa được nâng cấp.
Hiện tại, huyện Nga Sơn đã chủ trương quy hoạch vùng, đồng thời đầu tư các công trình đầu mối, hệ thống kênh cấp, kênh thoát nước và hỗ trợ vốn cho nông dân để phát triển sản xuất. Về lâu dài, huyện đã có giải pháp xây dựng đề án phát triển kinh tế 8 xã vùng cói ven biển đến năm 2015.
Theo đó, huyện sẽ qui hoạch ổn định diện tích cói hàng năm là 1.400 ha, tập trung vào các xã trọng điểm như Nga Tiến, Nga Tân, Nga Liên, Nga Thanh, Nga Thủy, đồng thời chuyển một phần diện tích cói năng suất thấp, sang thâm canh lúa ổn định và nuôi trồng thủy sản; tổ chức lại việc sản xuất và chế biến cói, cải tạo giống cói, đổi mới qui trình thâm canh để tạo ra sản phẩm tốt, năng suất cao...
Việc làm trên không những không làm mất đi nghề trồng cói truyền thống mà lại tạo được hướng đi mới, giải quyết phần nào khó khăn cho người nông dân. Chủ trương này của huyện Nga Sơn đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân.