Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai những năm qua có nhiều mô hình trồng cacao xen trong các vườn cà phê, tiêu, sầu riêng, chôm chôm... mang lại hiệu quả cao. Nay nhiều khu vườn trồng xen cacao đang cho thu hoạch, ước tính lợi nhuận lên tới 70 triệu đồng/ha.
Xây dựng "vệ tinh" cacao
Ông Nguyễn Văn Lộc (Hai Lộc) ở xã Hàng Gòn, TX. Long Khánh (Đồng Nai) chính là người đã đi tiên phong đưa cây cacao về với vùng miền Đông đất đỏ.
Ông Hai Lộc tâm sự: "Thời xưa làm vườn rẫy khó khăn lắm, trồng cấy cây gì cũng… cằn! Khi cà phê bị rớt giá thảm bại tôi mới chuyển hướng sang tập trung trồng sầu riêng nhưng lại bị dính bệnh, sau đành xoay qua trồng cây tiêu, dù vậy tính ra cũng chẳng ăn thua gì…!".
Năm 2003, Hai Lộc quyết định bứt phá, ông nhập giống cacao từ Khoa Nông học - Trường ĐH Nông lâm TP.HCM (khoảng hơn 3.000 cây giống) đưa về trồng thí điểm xen canh với trên 3 ha vườn tiêu, cà phê, sầu riêng của mình. Thấy vậy, nhiều người bà con chê trách rằng ai thèm mua mấy thứ quả này mà đem về trồng (?!).
Tuy nhiên, Hai Lộc không hề nản vì ông đã bỏ công nghiên cứu rất kỹ đặc tính của cây cacao cũng như tiềm năng thị trường trong và ngoài nước. Từ đó ông càng quyết tâm và âm thầm lao vào đeo đuổi mục đích của mình, đồng thời vận động thêm một số anh em thân hữu cùng trồng cacao làm "vệ tinh".
Tổng cộng trong năm 2003, Hai Lộc đã xây dựng phát triển được khoảng 15 ha cacao. Chỉ sau 3 năm, cây cacao đã cho quả đại trà, thu hoạch ước tính trừ hết chi phí ông còn lãi 70 triệu đồng/ha.
Thấy mô hình trồng xen cacao của nhà Hai Lộc hiệu quả, nhiều hộ dân trong vùng bắt đầu tìm đến tham quan, học hỏi. Các công ty nước ngoài chuyên thu mua cacao lúc này cũng nhanh chân đến ngỏ ý đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm. Nhân dịp này, ông nung nấu ý nghĩ vận động nhiều bà con trong vùng cùng tham gia trồng theo mô hình xen cacao trong vườn tiêu, điều, chôm chôm, cà phê... để tạo thêm thu nhập.
Thời "hoàng kim" của cacao
Để hình thành phát triển nghề trồng cacao bền vững, lúc này Hai Lộc còn tính đến việc thành lập doanh nghiệp để đứng ra kinh doanh các mặt hàng sản phẩm cacao. Đồng thời tiến hành mở rộng thêm quy mô các vườn ươm, sẵn sàng đầu tư hỗ trợ giống, kỹ thuật cho người dân trong vùng tham gia canh tác. Nhớ lại những ngày đầu bước vào nghề trồng cacao, ông Lộc bảo lúc đó rất ít đơn vị đứng ra thu mua cacao. Mỗi lần thu gom được khoảng vài ba tạ hạt, phải gửi qua Ban quản lý Chương trình phát triển cacao Succssalliance để nhờ bán dùm. Tuy nhiên, ráng lắm họ cũng chỉ bán được giá 18.000 – 19.000 đ/kg hạt. Tuy thị trường cacao thời điểm đó còn rất mong manh nhưng ông vẫn luôn tin vào tiềm năng phát triển của cacao. Hai Lộc tiếp tục lao vào đầu tư phát triển mạnh diện tích trồng cacao của gia đình ông và các "vệ tinh" trong khu vực
Tính đến thời điểm này, riêng ở Đồng Nai, ông đã cung cấp giống cho khoảng vài trăm hộ với diện tích gần 200 ha cacao. Trong đó, vùng có diện tích trồng nhiều là huyện Định Quán (80 ha), TX. Long Khánh (50 ha), huyện Cẩm Mỹ (40 ha)… Tính sản lượng của năm 2007 cho ông thu khoảng trên 10 tấn hạt/năm, còn từ đầu năm 2008 đến nay ông cũng đã thu được trên 4 tấn cacao hạt, với giá bán hiện nay là 40.000 đ/kg hạt. Theo ông Lộc, chỉ cần bán được giá 30.000 đ/kg hạt là người trồng cacao đã có lời khoảng từ 50 - 60 triệu đồng/ha.
Hiện nay ông Lộc còn ký hợp đồng nhận cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho nông dân các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng. Những hộ dân muốn trồng cacao gặp khó khăn về vốn, ông sẵn sàng hỗ trợ bằng cách cho nợ lại 50% tiền cây giống, khi cacao thu hoạch sẽ hoàn trả lại vốn cho ông.
Trồng và sản xuất cacao ở Việt Nam có nhiều lợi thế vì sản lượng cacao thế giới đang thiếu hụt. Được biết hiện nay, ngoài Cty Cargill đang thu mua cacao tại nước ta, còn có 5 công ty nước ngoài cũng đang triển khai thu mua cacao tại Việt Nam.