Mô hình chăn nuôi khép kín lợn - cá sấu ở Tiền Giang
Được đăng : 03/11/2016
Cuối năm 2007, trước áp lực chăn nuôi phải bảo đảm vệ sinh chuồng trại và môi trường, ông Trương Tấn Tài (40 tuổi), ngụ xã Song Bình, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) đã đầu tư 30 triệu đồng để xây chuồng trại chăn nuôi lợn 2.000m2 nằm xa khu dân cư.
Ông nuôi gần 200 lợn thịt và 50 con lợn nái cung cấp con giống. Đến nay, đàn lợn thịt của ông xuất chuồng, bán giá 4,2 triệu đồng/tạ lợn hơi, trừ chi phí, còn lãi trên 700 triệu đồng.
Ông Tài nói, cách thức chăm sóc đàn lợn của ông rất bài bản và theo quy trình an toàn sinh học để đảm bảo vệ sinh khu vực chăn nuôi. Ông cho lợn ăn thức ăn khô và cho lợn uống nước đã xử lý, được kéo bằng ống nước liên hoàn, đảm bảo vệ sinh trong hệ thống chuồng trại. Nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn, ông cho biết thêm bí quyết như: mỗi lợn nái đều phải nắm rõ lý lịch, và tiêm thuốc động dục để khi gieo tinh lợn sinh sản gần như đồng loạt, đa số lợn đều sinh vào ban ngày. Ông lên huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) để học hỏi kinh nghiệm về cá sấu, đồng thời mua về 100 con với giá 50 triệu đồng. Lần đầu tiên ông nuôi thử nghiệm cá sấu và đã thành công. Được biết, ông dành 100m2 xây ô chuồng, mỗi ô ông bơm nước xâm xấp để sấu tắm và làm bóng da cá sấu. Cùng với ao thả cá 2000m2, mỗi năm thu hoạch khoảng 3 tấn cá các loại, trong đó không kể cá mè hoa làm thức ăn cho cá sấu. Thức ăn mà cá sấu ưa thích nhất, bánh rau (nhau) khi lợn sinh sản và lợn chết ngạt. Đến nay, sau 18 tháng nuôi, cá sấu từ 18-20kg/con, giá bán 1,5 triệu đồng/con, trừ mọi chi phí, ông còn lãi 40 triệu đồng/lứa. Hiện nay, trong chuồng ông thả nuôi 300 con cá sấu tiếp theo...
Ông Nguyễn Huỳnh Đức, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, mô hình chăn nuôi lợn - cá sấu khép kín của ông Tài được mọi người chung quanh đến tham quan học hỏi kinh nghiệm./.