00:00 Số lượt truy cập: 2998146

Mô hình kinh tế tổng hợp ở Thới Thạnh 

Được đăng : 03/11/2016

Mô hình làm vườn, nuôi thủy sản, dịch vụ vận tải thức ăn thủy sản của gia đình ông Hà Tấn Tâm ở Thới Thạnh, phường Thới An, quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Mô hình còn tạo việc làm cho nhiều lao động, đóng góp tích cực cho địa phương.


Trong những năm qua thời tiết, khí hậu biến đổi bất thường, dịch bệnh thường xuyên bùng phát, khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, giá cả đầu ra không ổn định làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế gia đình. Sau thời gian trăn trở, suy nghĩ, ông thấy nơi mình đang cư trú có được sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng đó là một vùng đất trù phú luôn được bồi đắp phù sa bởi con sông Hậu Giang mênh mông, hiền hòa, nước ngọt quanh năm, giao thông thủy, bộ thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Vì vậy, ông đã mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế gia đình là: Làm vườn, nuôi thủy sản và dịch vụ vận tải đường thủy.

Khi phong trào nuôi cá tra phường Thới An trở nên rầm rộ, ông bàn với gia đình đào ao nuôi cá. Lúc đầu thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn nên thất bại nặng nề. Không chịu thua, ông bắt đầu đi học hỏi kinh nghiệm ở các nơi như An Giang, Đồng Tháp. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương và Hội Nông dân các cấp tạo điều kiện giúp đỡ về khoa học kỹ thuật, vì vậy những vụ tiếp theo đạt kết quả khá tốt. Đến năm 2007, 2008 giá cả cá tra xuống thấp, cá khó bán ra vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động, ông kịp thời chuyển hướng sang nuôi gia công cho công ty Hùng Vương và tham gia quản lý các vùng nuôi của công ty ở Bến Tre, Tiền Giang. Hiện nay gia đình ông nuôi gia công cá tra xuất khẩu 10 ao với diện tích mặt nước 5 ha.

Để kết hợp lấy ngắn nuôi dài, gia đình ông đã đầu tư trồng các loại cây ăn trái với diện tích vườn 08 hagồm: nhãn 2 ha; xoài 3 ha; cam xoàn 3 ha. Do cố gắng làm ăn, biết tích lũy và tiết kiệm trong sinh hoạt nên dần dần gia đình ông đã có của dư. Không dừng lại ở đó, qua nghiên cứu thị trường địa phương và lợi dụng đường thủy của dòng sông Hậu Giang nên ông đã mạnh dạn mở dịch vụ vận tải thức ăn thủy sản gồm: 12 ghe, tổng trọng tải 1.200 tấn.

Với mô hình kinh tế vườn, ao, dịch vụ vận tải đường thủy kết hợp hiệu quả, vì vậy thu nhập của gia đình ông ổn định trong mấy năm gần đây. Năm 2011 là 13,4 tỷ đồng; năm 2012 là 14,3 tỷ đồng; năm 2013 là 13.7 tỷ đồng; năm 2014 là 12,8 tỷ đồng; 4 tháng đầu năm 2015 là 5,2 tỷ đồng.

Từ một người nghèo vươn lên, nay nhìn xung quanh mình còn nhiều cảnh đời cơ cực, nhiều mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ, khó khăn cần được giúp đỡ, hỗ trợ, ông suy nghĩ gia đình nay đã khá giả thì mình phải làm gì để giúp đỡ những đối tượng đó. Từ đó, ông đã tích cực phấn đấu làm ăn, làm ra thật nhiều của cải để đóng góp cho các hoạt động xã hội, từ thiện, góp phần cùng chính quyền xây dựng quê hương. Năm năm qua, với đồng tiền tự kiếm được của mình, ông đã làm nhiều việc hữu ích cho xã hội. Tại phường Thới An, quận Ô Môn: Bắc cầu, làm lộ, xây nhà đại đoàn kết, giúp quỹ khuyến học, giúp bà con nghèo và người già cô đơn với hơn 4 tấn gạo và 570 triệu đồng. Tại phường Thới Long, quận Ô Môn: Giúp người nghèo hơn 2 tấn gạo và 30 triệu đồng; bắc cầu, làm lộ giao thông hơn 13 triệu đồng. Tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ: Giúp cho học sinh nghèo hai xe đạp điện trị giá 3 triệu đồng. Tại tỉnh Bến Tre: Cấp hơn 6 tấn gạo cho các hộ nghèo, xây 2 nhà tình thương trị giá 50 triệu đồng, giúp công nhân nghèo 30 triệu đồng....

Mô hình kinh tế của gia đình ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 50 đến 65 lao động. Trong đó, nuôi cá tra: 25-30 lao độn, tiền công 4 triệu đồng/người/tháng. Vận tải thức ăn: 30-35 lao động, tiền công 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Với những việc làm thiết thực trên, ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 5 năm liền 2011-2015; được Chủ tịch Ủy ban nhân dânthành phố Cần Thơ, Chủ tịch quận Ô Môn tặng nhiều Bằng khen, giấy khen và được tuyên dương điển hình tiên tiến./.