Nhờ cần cù trong lao động sản xuất, đến nay ông Trần Thế Liên ở thôn Việt Thắng, xã Hồng An, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã phát triển kinh tế bền vững, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Xuất thân từ gia đình thuần nông với 4 khẩu, diện tích đất canh tác và vườn ao trên 2000 m2, ông bảo hàng năm nếu chỉ trông vào vài sào ruộng cấy lúa 2 vụ và 1 vụ đông thì thu nhập cũng chẳng đáng kể gì. Bản thân ông luôn trăn trở làm thế nào để kinh tế phát triển, cuộc sống ổn định, đi lên. Từ khi có Nghị quyết của BCH Đảng bộ xã Hồng An về khuyến khích phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi và phong trào nông dân lao động sản xuất kinh doanh giỏi do Hội Nông dân phát động từ năm 2009 đến nay, ông được tiếp thu tiến bộ KHKT từ những lớp tập huấn do Hội Nông dân xã và thôn phối kết hợp với Trung tâm khuyến nông khuyến công tổ chức. Qua các lớp tập huấn này đã làm ông thay đổi rất nhiều về suy nghĩ, cách làm của bản thân. Như ngọn lửa hun đúc thêm sức mạnh dám nghĩ giám làm, ông mạnh dạn mở rộng mô hình chăn nuôi và sản xuất ngành nghề làm dịch vụ cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng.
Năm 2009, ông phát triển đàn lợn 100 con mỗi lứa. Mỗi năm cho xuất chuồng 3 lứa, cung cấp cho thị trường từ 20 đến 25 tấn lợn thịt. Sau khi trừ các khoản chi phí, ông còn thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Thu nhập từ sản xuất đậu, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông còn thu lời 70 triệu đồng. Gia đình ông còn bán buôn và bán lẻ ngan - gà - vịt thịt, bình quân mỗi ngày ông bán được khoảng 170 kg thịt, tính ra cả năm ông thu lãi được khỏang 120 triệu đồng. Ngoài ra ông còn có nguồn thu từ cây lúa và cây ăn quả, đạt khoảng 25 triệu đồng mỗi năm.
Năm 2010, tổng hợp từ các nguồn sản xuất chăn nuôi, dịch vụ, thu nhập của gia đình ông sau khi trừ chi phí còn đạt trên 400 triệu đồng. Ông có điều kiện để phát triển sản xuất, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục đi sâu tìm hiểu, học tập nghề ươm cây cảnh, tạo thú vui tao nhã và niềm cổ vũ tinh thần được thư giãn sau mỗi ngày lao động một mỏi, đồng thời cũng tăng thu nhập trong gia đình trong việc bán cây có giá trị cao. Trước sự phát triển mạnh của cơ chế thị trường, sức tiêu thụ thực phẩm ngày càng lớn, năm 2011 gia đình ông quyết định mua xe ô tô tải để vận chuyển gia súc, gia cầm đi tiêu thụ trên thị trường, mở rộng mối quan hệ làm ăn buôn bán với các tỉnh lân cận như Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên,… Ngoài ra, gia đình ông còn tích cực tham gia sản xuất nông nghiệp. Hàng năm ông cấy 4 sào lúa, làm vụ đông từ 5 - 8 sào cho thu nhập cao, đảm bảo lương thực cho gia đình cùng với chăn nuôi gia súc gia cầm.
Chỉ tính riêng thu nhập trong 3 năm 2009, 2010 và năm 2011, gia đình ông đã thu nhập từ các nguồn là trên 1 tỷ đồng. Số tiền trên gia đình ông đã đầu tư nuôi 2 con học đại học, mua 1 xe ô tô trị giá 250 triệu đồng, xây dựng nhà cửa khang trang và sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Hiện ông có một vườn cây cảnh các loại giá trị khoảng trên 500 triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Liên cho biết, ông vừa làm vừa tiếp thu học hỏi kinh nghiệm của bạn bè đồng nghiệp, cùng sự hỗ trợ tích cực của các ban ngành đoàn thể, nhất là hội viên và ban chăn nuôi thú ý xã, nên gia đình ông đã bảo toàn được đàn gia súc gia cầm không xảy ra dịch bệnh.
Với ý thức trách nhiệm của một hội viên nông dân, gia đình ông luôn chấp hành đầy đủ các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tham gia tích cực các phong trào từ thiện, ủng hộ, tình nghĩa ở địa phương. Ông mong muốn được bày tỏ sự chia sẻ giao lưu học hỏi kinh nghiệm với các cá nhân đang lao động sản xuất kinh doanh và mong muốn được sự quan tâm sâu sát hơn nữa của các cấp các ngành nhất là mong muốn được sự quan tâm sâu sát hơn nữa của các cấp các ngành nhất là tìm đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi./.