00:00 Số lượt truy cập: 2995952

Mô hình kinh tế trang trại – “cũ” mà “ mới” 

Được đăng : 03/11/2016

Lãng Công là một địa phương thuộc xã miền núi của huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, diện tích đất canh tác nông nghiệp nơi đây rất nghèo nàn, chủ yếu đất đồi gò; người dân quanh năm chỉ biết trông chờ vào hai vụ lúa. Ngoài ra, trồng cây màu vào vụ đông nhưng thu nhập từ trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế thấp, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn vất vả…


Đó là nơi người nông dân Nguyễn Văn Phương sinh ra và lớn lên. Trước đây, gia đình ông thậm chí chỉ được xếp vào danh sách những hộ nghèo nhất xã, hàng ngày chỉ lo cho vợ con đủ 3 bữa cơm thôi còn khó chưa nói gì đến việc kiến thiết xây dựng nhà cửa và nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn.

Vậy mà, sau nhiều ngày đêm trăn trở với mong muốn làm giàu từ chính bàn tay, khối óc và trên chính mảnh đất quê hương mình. Được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương vay vốn từ nguồn ngân hàng chính sách xã hội thông qua Hội Nông dân tín chấp. Ngoài ra ông mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và vốn từ quỹ hỗ trợ của Liên minh hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc. Giờ đây, nhờ sự quyết tâm, cần cù và sáng tạo, ông đã thực sự thành công với mô hình phát triển kinh tế trang trại mới của mình.

Những ngày đầu, ông Phương đã mạnh dạn thầu 2ha diện tích đất đồi gò chuyển toàn bộ diện tích đất cấy lúa sang làm trang trại theo mô hình ao chuồng. Sau khi tìm hiểu thấy mô hình nuôi lợn Rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông đã tìm vào trại giống ở Hà Tĩnh để học tập cách nuôi lợn rừng và mua giống. Với đồng vốn ít ỏi ông đã vận dụng cách “lấy ngắn nuôi dài”, lợi nhuận thu được từ việc bán lợn giống ông lại tiếp tục đầu tư để mở rộng đàn lợn nái. Khi mới hình thành, trang trai lợn nái chỉ mới có 20 con và vài chục con lợn thịt. Hiện nay, trang trại của ông đã có 50 – 70 con lợn nái, mỗi con lợn nái đẻ trung bình 2,5 lứa/năm. Cùng với việc phát triển đàn lợn nái, ông cũng tập trung đầu tư để nâng cao số lượng đàn lợn thịt, trang trại của ông thường xuyên có 200 – 300 con lợn thịt.

Ngoài chăn nuôi, để tăng thêm phần thu nhập cho gia đình và tận dụng lượng thức ăn dư thừa, diện tích cấy lúa xung quanh trang trại của ông đã đắp đập, ngăn bờ đào ao thả cá. Rồi đến năm 2010 nghiên cứu thấy thị trường tiêu thụ trứng gà rất tốt ông đầu tư nuôi thêm 3000 con gà đẻ trứng vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình vừa giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định cho một số lao động nông nhàn là con em trong gia đình mình.

Mặc dù công việc rất nhiều song bản thân ông luôn thu xếp công việc hợp lý để tham gia sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể. Ông Phương chia sẻ “Từ những thành công còn rất nhỏ bé và kinh nghiệm còn ít ỏi của mình tôi cũng mạnh dạn phổ biến tuyên truyền với các thành viên, hội viên và giúp đỡ các thành viên trong hội về mọi mặt để cùng nhau thi đua phát triển kinh tế về mọi mặt”. Ông thường xuyên hỗ trợ con giống và kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, vận động bà con xã viên tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, đến từng hộ gia đình để hướng dẫn về cách phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc…

Một người nông dân với hai bàn tay trắng đã xây dựng được một cuộc sống viên mãn bên vợ con bên cạnh đó còn giúp đỡ những người xung quanh thoát cơn nghèo đói. Đó chắc chắn không phải là do may mắn mà là nhờ ý chí quyết tâm, sự cần cù, sáng tạo và nhạy bén của người nông dân bé nhỏ Nguyễn Văn Phương. Vùng đất nghèo Lãng Công thực sự tự hào khi có được những người công dân có chí làm giàu như ông!