00:00 Số lượt truy cập: 3042346

Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn 

Được đăng : 03/11/2016
Nhờ nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, chăm chỉ tham gia các lớp tập huấn của Hội Làm vườn huyện, cộng thêm đức tính cần cù, anh Nguyễn Văn Kiệt, 37 tuổi ở thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ (Điện Bàn - Quảng Nam) đã biến ruộng cấy lúa năng suất thấp trở thành trang trại VAC cho hiệu quả kinh tế cao.

Một góc trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Kiệt.

Năm 2003, chính sách dồn điền đổi thửa bắt đầu đi vào cuộc sống, xóa dần kiểu làm ăn manh mún và chuyển sang phát triển kinh tế theo mô hình trang trại. Từ chính sách này, nhiều hộ dân không những xóa nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng bằng mô hình VAC, anh Kiệt cũng là một trong số đó. Anh cho biết: “Với diện tích 1,4ha, tôi đầu tư hàng trăm triệu đồng đào ao, xây bờ kè, làm chuồng heo và mua sắm các dụng cụ phục vụ sản xuất... Nhờ được vay vốn ưu đãi của Nhà nước, hỗ trợ con giống, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật của Hội Làm vườn huyện, chỉ sau một thời gian ngắn, trang trại của tôi đã đi vào hoạt động theo mô hình ao, chuồng kết hợp. Để tận dụng hết quỹ đất, trên bờ tôi xây dãy chuồng nuôi heo nái và heo thịt. Bình quân mỗi năm trại heo của tôi cung cấp cho thị trường 6 – 7 tấn thịt. Hơn 1,2ha mặt nước, tôi thả nhiều loại cá, mỗi năm thu hai vụ, tương đương 8-9 tấn/năm, bán với giá 15.000 – 18.000 đồng/kg. Trên mặt nước tôi giăng lưới nuôi gần 10.000 con ếch Thái Lan, gồm ếch bố mẹ để nhân giống và ếch thịt. Nuôi ếch không tốn diện tích, đầu tư ít, dễ tiêu thụ nhưng lại cho hiệu quả cao; giá ếch thương phẩm 40.000 - 45.000 đồng/kg. Đây là mô hình chăn nuôi kết hợp giữa cá, heo và ếch khá hiệu quả, vừa sử dụng hết đất, vừa tận dụng chất thải của heo làm thức ăn cho cá và nhất là giải quyết triệt để vấn đề môi trường, môi sinh. Mỗi năm trang trại cho thu 100 triệu đồng”.

Tuy nhiên, theo anh Kiệt, hiện trang trại vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Chỉ có hơn 1,4ha nhưng có đến 3 loại đất (đất thuê của xã, đất hoán đổi cho dân và đất thuê của hơn 40 hộ khác), thời hạn thuê, hoán đổi chỉ có 10 năm. Với thời gian này, anh không thể xây dựng trang trại quy mô phát triển bền vững. “Chúng tôi không dám đầu tư mạnh để mở rộng sản xuất, nên hiệu quả kinh tế vẫn chưa được như mong đợi”, anh Kiệt cho biết. Điều anh mong muốn là Nhà nước có chính sách mới về đất đai, tạo điều kiện cho nông dân tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất.

Mong rằng những băn khoăn, trăn trở chính đáng không những của anh Kiệt mà nhiều chủ trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ được các cấp chính quyền quan tâm tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất; góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Quảng Nam.