00:00 Số lượt truy cập: 2637545

Mô hình nuôi dúi ở TP.HCM 

Được đăng : 03/11/2016
Nói tới nuôi dúi, người ta nghĩ ngay tới các tỉnh miền núi như: Lâm Đồng, Đăk Lăk, Bình Phước... ít ai ngờ rằng tại TP.HCM cũng có một trang trại chuyên nuôi dúi, đó là trang trại của anh Nguyễn Văn Huệ, hiện ở số 31, tỉnh lộ 9, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Thuần hóa giống dúi hoang dã

Anh Huệ cho hay: “Tình cờ trong một lần đi thăm một người bạn ở tỉnh Bình Phước, thấy người đồng bào dân tộc gạ bán mấy con dúi con mới đẻ trông èo ọt, yếu lắm. Không mua thì mấy con dúi này có nguy cơ bị chết. Tôi đánh liều mua về nuôi thử. Lúc mới mang dúi về nuôi do thiếu kinh nghiệm, chưa có kỹ thuật, hơn nữa dúi mới bắt ở rừng về chưa quen thức ăn và môi trường mới, chúng ngày một yếu dần. Không nản chí, anh lặn lội tìm kiếm thông tin trên sách báo, lên mạng Internet, ở đây anh đã học hỏi rất nhiều kiến thức quý báu và nhanh chóng áp dụng vào đàn dúi của mình. Dúi được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật chẳng mấy chốc mấy con dúi èo ọt ngày nào nay đã trưởng thành, con nào con nấy mập mũm mĩm, lông bóng mượt. Dần dà đàn dúi của anh lên tới 100 con bố mẹ và 50 cặp dúi giống. Hiện nay dúi ngoài tự nhiên ngày một khan hiếm do người dân đánh bắt nhiều, hơn nữa thịt dúi ăn rất mềm, thơm, ngọt, đã trở thành món ăn đặc sản của nhiều nhà hàng ở TP.HCM và các tỉnh thành lân cận. Chính vì vậy giống dúi sinh sản ra không đủ cung cấp cho thị trường.

Theo anh Huệ, ở Củ Chi rất nhiều mô hình chăn nuôi, mỗi mô hình nuôi một con vật khác nhau, nhưng chưa thấy nuôi con gì dễ bằng con dúi, ai cũng nuôi được, không ảnh hưởng môi trường, chi phí thức ăn thấp. Theo tính toán của anh Huệ, 1 con dúi nuôi từ lúc mới đẻ tới khi trưởng thành là 6 tháng, trọng lượng đạt từ 1,2 - 1,5 kg, tiêu tốn khoảng 90.000 đồng (tiền mua thức ăn), mỗi con chỉ ăn hết 500 - 1.000 đ/ngày. Giá bán dúi giống tùy theo thời gian nuôi ngắn hay dài, tùy theo trọng lượng từng con có giá bán 1,2 triệu đồng/cặp. Giá bán dúi thương phẩm từ 500.000 - 600.000 đồng/kg.

Trong quá trình nuôi, anh Huệ đã đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm và muốn chia sẻ để bà con tham khảo: muốn cho dúi sinh sản đạt hiệu quả cao, trước hết phải biết phân biệt con đực - cái bằng cách lật ngửa để kiểm tra, nếu có gai giao cấu và hai hột cà nổi lên là con đực, không thấy là con cái.

Thức ăn: món ăn khoái khẩu của dúi là rễ tre, măng tre, cây tre (loại bánh tẻ), cây nứa, cây mía, cây cỏ voi (phần gốc trâu bò không ăn được). Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, lưu ý thức ăn còn thừa sau 12 giờ, bị úa vàng, chua, mốc phải bỏ đi, đảm bảo cho dúi thức ăn tươi, xanh, sạch đề phòng bệnh tiêu chảy, dúi sẽ khỏe mạnh ít dịch bệnh. Trong thời gian dúi mang thai và sau khi đẻ có thể bổ sung thêm bắp, khoai, sắn.

Chuồng trại: dùng tấm lót sàn nhà cắt ra rồi lắp ghép. Chuồng để sinh sản có chiều rộng 50 cm, dài 60 cm, cao 60 cm. Nếu làm chuồng để nuôi dúi thương phẩm thì tùy theo diện tích rộng hay hẹp mà làm chuồng lớn hay nhỏ, có thể từ 2 - 4 m2. Chuồng nuôi dúi nên làm theo hướng đông nam, có mái che, cao ráo, thoáng mát, đảm bảo ấm áp vào mùa đông, thoáng mát mùa hè.

Chọn giống bố mẹ: chọn những con khỏe mạnh, không bị bệnh, dị tật, lông mượt, mắt mũi nhanh nhẹn, tinh tường, hoạt bát. Một năm dúi sinh sản 4 lứa, mỗi lứa con cái đẻ từ 3 - 5 con. Khi dúi trưởng thành (nuôi từ 6 - 7 tháng), trọng lượng từ 0,7 - 2 kg, có chiều dài thân từ 25 - 35 cm, chiều dài đuôi từ 10 - 12 cm. Trong điều kiện nuôi nhốt, nếu cho ăn tốt, dúi nuôi được 6 tháng tuổi là cho giao phối được.

Anh Huệ cho biết, muốn cho dúi sinh sản tốt, người nuôi cần biết một số kỹ thuật căn bản, nhận biết biểu hiện khi dúi động đực: thường cứ vào mùa trăng tròn, từ ngày 13 - 16, con cái thường bỏ ăn, thường đứng bằng hai chân, đi lại nhiều, nước tiểu khai hơn, đây là thời gian dúi cái đòi động đực. Lưu ý khi phát hiện dúi có biểu hiện động dục cần cho dúi giao phối ngay, tiến hành thả con đực vào cho giao phối, nếu thấy hai con quấn quýt nhau là con cái chịu đực, nếu thấy hai con gầm ghè nhau phải thay con đực khác. Thời gian giao phối trong vòng 5 ngày, trong thời gian này con cái kêu nhiều là đã đậu thai, khi giao phối xong, tách con đực, con cái nuôi riêng.

Thời gian dúi mang thai 45 ngày, dúi con mới đẻ ra từ 10 - 15 ngày mới mở mắt, thời gian này dúi mẹ cho dúi con bú. Trước khi đẻ khoảng 30 ngày, cần bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết cho dúi mẹ như bắp xay, khoai lang, nếu có điều kiện cho uống B complex, vitamin tổng hợp... Ngoài nuôi và sinh sản giống dúi, anh Huệ đang phối hợp với Sở NN&PTNT, Chi cục kiểm lâm TP.HCM xây dựng mô hình nuôi trăn đen, cua đinh, nhím… Qua thời gian nuôi thử nghiệm, trăn đen và các động vật khác lớn nhanh, phát triển tốt, ít bệnh, tới đây anh tiếp tục mở rộng mô hình này.