Sạch từ A đến Z
Đông Mỹ là địa phương có thế mạnh về thủy sản của huyện Thanh Trì. Tổng diện tích đất nông nghiệp của xã là 157ha, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản chiếm tới 70% (110ha). Trước đây, người dân chủ yếu cấy lúa nhưng do địa hình thấp, trũng nên năng suất thấp, có khi còn mất trắng. Do đó, chính quyền địa phương quyết định lựa chọn thủy sản làm hướng đi chính cho nông nghiệp Đông Mỹ. Phong trào nuôi trồng thủy sản ở Đông Mỹ bắt đầu từ những năm 2001, mạnh nhất là những năm 2003 - 2006. Trước nhu cầu về thủy sản sạch, đảm bảo VSATDB, từ năm 2008, huyện Thanh Trì đã có chủ trương xây dựng vùng thủy sản an toàn tại xã Đông Mỹ. Mô hình được triển khai trên diện tích 24ha của 33 hộ gia đình. Trong đó, có những hộ có diện tích lớn như hộ ông Phạm Báu với 2,5ha; hộ gia đình bà Phạm Thị Hồng với 2,4ha. Còn lại các hộ có từ 5.000- 10.000 m². Để mô hình nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả, UBND huyện Thanh Trì đã phối hợp với Chi cục thủy sản Hà Nội và xã Đông Mỹ mở các lớp đào tạo ngắn hạn về nuôi trồng thủy sản, sau đó cấp chứng chỉ cho bà con nông dân. Nhờ được tập huấn nên bà con rất tin tưởng khi tham gia mô hình thử nghiệm.
Theo ông Nguyễn Minh Đạo, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đông Mỹ thì thủy sản an toàn bao gồm các yếu tố sau: Con giống sạch, môi trường nước đảm bảo, thức ăn đạt tiêu chuẩn cho phép, phòng trừ dịch bệnh đúng quy định và sản phẩm được chế biến hợp tiêu chuẩn. Các hộ gia đình tham gia sản xuất được tổ chức tham quan mô hình trại giống thủy sản ở Hải Dương; được giới thiệu mua giống ở Viện thủy sản Bắc Ninh. Đây là hai cơ sở giống an toàn, được bà con tín nhiệm. Giống thủy sản ở Đông Mỹ chủ yếu là cá chim trắng, cá rô phi đơn tính, cá chép, trôi, trắm, mè và tôm càng xanh. Cán bộ của Chi cục thủy sản cùng với Tổ sản xuất của HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Mỹ theo sát bà con trong kế hoạch sản xuất. Người dân được hướng dẫn mua thiết bị đo nồng độ pH trong nước ao, hồ để kịp thời điều chỉnh. Tất cả các loại thức ăn, thuốc phòng trừ dịch bệnh cho tôm cá đều phải nằm trong danh mục cho phép và theo hướng dẫn của cán bộ Chi cục thủy sản hay Tổ sản xuất. Chi cục thủy sản Hà Nội thường xuyên lấy mẫu ngẫu nhiên thức ăn thủy sản và mẫu nước của một số hộ nuôi trồng đem đi xét nghiệm. Tất cả các đợt kiểm tra đều đạt tiêu chuẩn VSATDB.
Thị trường bình dân và cao cấp
Sản phẩm thủy sản Đông Mỹ được đảm bảo toàn diện từ khâu giống, chăm sóc cho đến chế biến nên không chỉ cán bộ mà tất cả các hộ nuôi trồng đều rất kỳ vọng vào thành công của mô hình. Tháng 4/2009, 33 hộ gia đình đã được hỗ trợ giống để bắt đầu nuôi thả. Ông Nguyễn Minh Đạo cho biết: “Sản xuất theo quy trình VSATDB, chắc chắn năng suất thủy sản sẽ cao hơn so với nuôi trồng thông thường vì môi trường nước trong ao sạch hơn; độ pH được điều chỉnh ở mức hợp lý, giảm độc tố, nồng độ kim loại; nước giàu oxi hơn; thức ăn cũng được đảm bảo, do đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tôm, cá phát triển. Theo tính toán, mô hình này có thể cho năng suất cao hơn từ 25-30%” so với nuôi thông thường. Dự kiến vào tháng 10 tới, sản phẩm thủy sản sạch sẽ chính thức ra mắt người tiêu dùng và sẽ được bán với giá cao hơn thủy sản thông thường khoảng 30%.
Cùng với việc xây dựng mô hình, cuối năm 2008, Đông Mỹ đã tiến hành đăng ký thương hiệu độc quyền cho sản phẩm thủy sản của mình tại Cục sở hữu trí tuệ với tên gọi Thủy sản ATVSDB xã Đông Mỹ. Logo của sản phẩm lấy biểu tượng hai con cá trên nền xanh biểu trưng cho màu nước. Tháng 12 tới đây, việc đăng ký thương hiệu cho sản phẩm sẽ chính thức được hoàn thành.
Theo lãnh đạo địa phương, thị trường chính mà Đông Mỹ hướng tới vẫn là Hà Nội, vì với diện tích 110ha, ước tính mỗi năm cho sản lượng 700 tấn thủy sản. Con số này chưa thấm gì so với nhu cầu tiêu dùng của thị trường Hà Nội. Trước mắt, Tổ tiêu thụ của HTX đang tiến hành thăm dò một số thị trường là các chợ lớn của Hà Nội để đăng ký tiêu thụ sản phẩm. Sau đó sẽ nhắm tới các nhà hàng, khách sạn và siêu thị. Ông Đạo cười lạc quan: “Một khi người dân có thói quen dùng các sản phẩm được kiểm định chất lượng thì sẽ rất tốt cho sức khỏe và đưa lại lợi ích cho cả cộng đồng. Điều đó càng tạo cơ hội cho thủy sản Đông Mỹ phát triển hơn nữa”.