00:00 Số lượt truy cập: 3082410

Mở rộng Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM - Chọn hướng nào? 

Được đăng : 03/11/2016
Hiện Khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) TPHCM đã được xây dựng trên diện tích 88,17ha (huyện Củ Chi) và bước đầu hoạt động hiệu quả nên UBND TPHCM tiếp tục giao cho Sở NN-PTNT TPHCM mở rộng khu NNCNC. Chính vì thế, ngày 3-11, Ban quản lý Khu NNCNC (Sở NN-PTNT TPHCM) tổ chức hội thảo góp ý đề án mở rộng Khu NNCNC TPHCM.

Khách tham quan vườn hoa lan tại Khu Nông nghiệp CNC TPHCM.

Lấy đất ở đâu?

Theo đề án mở rộng Khu NNCNC, ngoài 88,17ha cho trồng trọt, cần mở rộng thêm diện tích 100ha phía đối diện đường Phạm Văn Cội, xây dựng mới Khu NNCNC về thủy sản và chăn nuôi (100 - 200ha) tại xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi, TPHCM), hướng tới các vật nuôi như heo, bò sữa, các loại cá cảnh, cá nước ngọt… có giá trị kinh tế cao; song song đó là sản xuất nấm và chế phẩm vi sinh điều tiết sinh trưởng cây trồng… Dự kiến Khu NNCNC mở rộng sẽ bắt đầu thực hiện quy hoạch, lập dự án từ cuối 2009, đến 2019 đi vào hoạt động.

Trước đề án trên, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho rằng, việc đền bù giải tỏa 200ha đất khu dân cư xã Phạm Văn Cội là việc làm vô cùng khó khăn, tốn kém. Phương án lấy 200ha đất trồng cao su tại xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) cũng cần phải tính toán lại, bởi một số công trình lớn tại Củ Chi đã lấy đi khá nhiều diện tích cao su của TP và đây cũng là mảng xanh. Do vậy, đơn vị làm đề án nên lựa chọn một số khu đất công nhằm hạn chế đền bù, giải tỏa. Phía diện tích đất phèn dọc sông Sài Gòn (huyện Bình Chánh), dọc kênh Thầy Cai – An Hạ (huyện Củ Chi)… là đất không có giá trị sản xuất nông nghiệp. Khu NNCNC đặt tại đây sẽ có ý nghĩa không chỉ về mặt tài chính mà còn góp phần cải tạo đất phèn, hỗ trợ nông dân vùng khó khăn ứng dụng khoa học trong nông nghiệp.

Trồng gì, nuôi gì?

Theo TS Chung Anh Dũng, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, hướng phát triển chăn nuôi của TPHCM tập trung vào cá sấu, tôm sú và bò sữa. Riêng bò sữa, dự kiến 2010 phải có 80.000 con. Do vậy, Khu NNCNC cần đầu tư trung tâm nghiên cứu giống bò sữa công nghệ cao. 
 
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Tuần (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II), Khu NNCNC mở rộng cần tập trung nuôi trồng có chọn lọc, bởi Khu NNCNC diện tích có hạn, chỉ tập trung vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ cao đặc biệt là cá kiểng. Thị trường thế giới mỗi năm chi gần 400 triệu USD cho việc mua bán cá kiểng. Trong đó Singapore là quốc gia xuất khẩu cá kiểng lớn nhất thế giới, lên tới 70 triệu USD, còn Việt Nam chỉ 10 triệu USD (cá đĩa, cá la hán, cá bảy màu, cá chép Nhật…) và chủ yếu vẫn là khai thác trong tự nhiên. Do vậy, cần phải ứng dụng công nghệ sinh học, các phương pháp nhân giống (sinh sản vô tính, chuyển gien, phụ sinh nhân tạo, thức ăn giàu sắc tố giúp cá đổi màu...) để tạo ra những giống cá có giá trị kinh tế cao, góp phần bảo vệ các loài cá trước nguy cơ tuyệt chủng…

PGS-TS Nguyễn Hùng (Phó Hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TPHCM) cho rằng, phát triển đa ngành thì đúng, nhưng tập trung trong một khu thì phải cân nhắc. Thủy sản là tập trung con gì? Cá tra, tôm sú thì lấy đâu ra diện tích ao hồ? Nuôi bò sữa tại đây có ổn, khi việc giải quyết không gian, các yếu tố môi trường... không dễ dàng.

Theo ông Hùng, các doanh nghiệp vào khu NNCNC không phải để sản xuất mà để trình diễn, chào hàng… Thêm nữa, NNCNC không nên hướng tới các hộ gia đình, phải chuyển giao cho các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp và các hộ gia đình là một bộ phận liên kết với các doanh nghiệp đó...

Rõ ràng, đây là ý kiến cần được nghiên cứu kỹ vì nếu không, khu NNCNC mở rộng sẽ khó đạt được những mục đích, hiệu quả mà TP đặt ra.