00:00 Số lượt truy cập: 3042342

Mở rộng mô hình nuôi cá sấu hiệu quả cao 

Được đăng : 03/11/2016
Nuôi con đặc sản như đà điểu, lợn rừng, ba ba… theo hướng thương phẩm đem lại lợi nhuận cao, trở nên phổ biến nhiều năm qua tại vùng ngoại thành Hà Nội. Song việc nuôi cá sấu phục vụ nhu cầu thưởng thức các món ăn đặc sản của người Thủ đô thì mới có cách đây dăm năm và trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả của các trang trại ở ngoại thành.

Những người đi tiên phong

 

Từ những năm 2001-2002, các nhà hàng ở TP Hà Nội đã phải thu mua cá sấu thương phẩm từ TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường, một số hộ dân ngoại thành Hà Nội đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại để mua cá sấu về nuôi. Anh Nguyễn Quang Hiển (ở cụm 6, xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Hà Nội) là người đầu tiên đưa con cá sấu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long về. Anh Hiển vốn làm nghề sửa chữa điện tử, điện dân dụng ở TP Hồ Chí Minh. Sau một chuyến đến tỉnh Đồng Tháp làm việc, anh nhận thấy nuôi cá sấu cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với chăn nuôi gia súc, gia cầm khác nên quyết định đưa cá sấu về quê nuôi. Cuối năm 2003, anh Hiển mở trang trại cá sấu. Thời gian đầu đưa cá sấu giống về nuôi ở Thọ Xuân, cứ sau vài ngày cá chết, anh tìm đủ mọi cách khắc phục không được. Anh đã phải quay trở lại TP Hồ Chí Minh nhờ các chủ trại có nhiều kinh nghiệm nhất giúp đỡ; đồng thời sửa chữa lại hệ thống chuồng trại phù hợp với môi trường miền Bắc… từ đó cá phát triển tốt. Đến nay, trang trại cá sấu của anh (mang tên Công ty TNHH Thương mại và xuất khẩu Thịnh Phát), có diện tích rộng hơn 6ha, nuôi trên 6.000 con cá sấu lớn, nhỏ. Năm 2007, anh Hiển thu từ nuôi cá sấu trên 1 tỷ đồng; năm 2008, gần 2 tỷ đồng; năm 2009, dự kiến anh sẽ bán ra thị trường khoảng 10.000 con cá giống và cá thương phẩm, thu khoảng 5 tỷ đồng.

Cách đường Hồ Chí Minh chừng 1km đoạn qua thị trấn Xuân Mai, có mô hình nuôi con đặc sản của trang trại Văn Thanh Sơn thuộc xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Trang trại đang nuôi ba ba theo quy trình công nghiệp, kết hợp với nuôi cá sấu giống, cá sấu thương phẩm. Năm 2002, anh Văn Thanh Sơn ở xã Thủy Xuân Tiên đã mạnh dạn đi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi ba ba ở Trung Quốc, Thái Lan về áp dụng nuôi tại địa phương mình. Với tổng diện tích 6.000m2 đất nhận thầu của xã, anh Sơn đã xây 24 bể để nuôi ba ba. Áp dụng nuôi theo quy trình công nghiệp, 100% các bể nuôi ba ba đều được xây nổi trên mặt đất bảo đảm nguồn nước lưu thông tốt nhất cho ba ba sinh trưởng. Trang trại cung ứng sản phẩm ra thị trường miền Bắc, mỗi năm thu lãi 400-500 triệu đồng. Năm 2007 anh Sơn bắt đầu triển khai nuôi cá sấu. Ban đầu, anh mua khoảng 350 con cá sấu giống, đến nay trang trại của anh thường xuyên có khoảng 1.000 con cá sấu giống và cá sấu thương phẩm để cung cấp cho thị trường.

 

Để nhân rộng mô hình

 

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, các mô hình chăn nuôi cá sấu như trên hoàn toàn có thể nhân rộng ở địa bàn ngoại thành Hà Nội theo hai hướng. Tại những trang trại chăn nuôi lợn, gà đã có sẵn chuồng trại tương đối tốt rất phù hợp để cải tạo, xây dựng khu nuôi cá sấu. Thức ăn cho cá được tận dụng triệt để từ phế phẩm của lợn, gà. Trung bình mỗi năm, một trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt quy mô khoảng 1ha có từ 1 đến 2 tấn phế phẩm phải tiêu hủy nếu được sơ chế cho cá sấu ăn rất tốt. Những trang trại sản xuất kết hợp du lịch sinh thái càng phù hợp với việc nuôi cá sấu. Tuy nhiên, việc nuôi cá sấu đòi hỏi người nông dân phải có kiến thức, có vốn ban đầu và đặc biệt là trang trại phải có quy mô tương đối lớn. Vì vậy, hướng quan trọng thứ hai để nhân rộng mô hình là nông dân cần được hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật, cho vay vốn, cộng với sự năng động của chủ trang trại. Có như vậy, mô hình nuôi cá sấu nói riêng và nuôi con đặc sản nói chung mới phát triển mạnh.