Ngỡ chỉ thành phố lắm rác rưởi, kênh rạch đen sì, về nông thôn mới thấy môi trường làng quê còn kinh khủng hơn nhiều. "Cái giậu mùng tơi" trong thơ Nguyễn Bính, "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo" của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã biến mất từ đời nảo đời nào. Thay vào đó là phân, rác ngập ngụa đến không có chỗ bước chân...
Thôn Rền (Cảnh Hưng, Tiên Du, Bắc Ninh) chỉ có 569 hộ nhưng nuôi tới 1.200 con trâu bò, khoảng 6.000 lợn. Tất cả các hoạt động chăn nuôi này đều ở len lỏi trong từng ngôi nhà, từng con ngõ, từng lối xóm. Người dân Rền quen với chuyện sống trong môi trường lúc nào cũng lúc nhúc gia súc, nhầy nhụa phân gio như thế cả chục năm nay. Đa số đều nuôi kiểu tận dụng, trong những chuồng hết sức chật chội. Như nhà anh Nguyễn Viết Cường, lúc nào cũng nuôi cỡ 70-100 con lợn tạ nhưng chỉ nhét trong khu chuồng có trên trăm mét vuông. Cũng làm bể biogas, nhưng bể nhà anh chỉ có 17m3, đủ cho nuôi dăm ba con nên phân chảy vào đầu này lại trào ra đầu kia. Trong các ô chuồng, lợn đằm trong phân và nước thải. Hệ thống cống thì không chảy ra được nữa vì bị tắc bởi phân, lông. Anh Cường cười khì: “Mình mới vừa thịt móc hàm mấy con bên bờ cống nên mới thấy đầy lông, phân như vậy. Ở làng này biết chăn nuôi là ô nhiễm nhưng ai cũng nuôi với số lượng lớn nên không ai nói được ai”. Hộ nhà chị Nguyễn Thị Tuyến có nghề mua bò gầy bán bò béo, thường trực trong chuồng lúc nào cũng gần chục con vỗ. Hệ thống biogas cũng chỉ đủ một hai con và khi nào cũng quá tải, phân chảy tràn xuống ao, rãnh nước. Người dân quê mộc mạc cũng chỉ nghĩ chăn nuôi có bẩn thật nhưng cũng còn sạch chán so với công nghiệp nên không ngờ có những trường hợp lâm trọng bệnh vì ô nhiễm chăn nuôi. Anh Nguyễn Quang Tuần-năm nay tròn 50 tuổi kể về triệu chứng ung thư của mình: “Năm ngoái, một lần đánh răng, tôi khạc ra máu nhưng chủ quan quá không đi khám mà chỉ nghĩ là viêm họng. Đến khi nổi hạch, ngủ gáy to bất thường, miệng lúc nào cũng như có cục gì đang chặn, ra Bệnh viện K chụp mới biết ung thư vòm họng”. Nhà anh Tuần lúc nào cũng nuôi cỡ 40 con lợn, cộng với việc nấu đậu phụ nặng nhọc nữa. Tiếp xúc với phân gio, than củi suốt ngày nên chẳng biết mình bị bệnh lúc nào. Hiện gia đình anh đã tốn trên 20 triệu đồng cho 2 tháng xạ trị, hoá trị nhưng giờ đây, khi về nhà với thân thể sụt xuống còn 46kg, anh chẳng làm được một việc gì ra hồn trừ ngồi thở dốc. Ngoài sân, mặc kệ chúng tôi rì rầm trò chuyện, chị vợ gầy nhẳng như que củi của anh chỉ còn 42kg vẫn mải miết cào lúa. Từ khi anh lâm trọng bệnh, gánh nặng 3 sào lúa, 6 sào màu, ngót 40 con lợn của gia đình tất cả trút lên đôi vai tong teo của chị. Một năm, cỡ 14-15 đám hiếu ở thôn Rền thì đến 1/3 là ung thư chủ yếu là gan, dạ dầy, họng…cụ thể như anh Nguyễn Hữu Hùng đang ung thư dạ dày, Lưu Đắc Thịnh, Nguyễn Hữu Hưởng ung thư họng… Khi nhận được đề nghị thống kê những trường hợp bệnh ở thôn Rền, Trạm trưởng Y tế xã, anh Nguyễn Đức Năng nhiệt tình bảo mấy nhân viên thống kê ngay. Ngồi con cà, con kê cả tiếng đồng hồ với anh Trạm trưởng nhưng việc thống kê vẫn chưa xong. Sốt ruột quá tôi mới mò xuống thì thấy mấy nhân viên của anh vẫn đang cần mẫn ghi chép, đọc số liệu. Xã Cảnh Hưng rất nhỏ, có trên 5.000 dân thì mấy năm gần đây có ít nhất 50 người bị ung thư trong đó thôn Rền chiếm khoảng 50%. Nhóm tác giả Phùng Đức Tiến, Nguyễn Duy Điều, Hoàng Văn Lộc, Bạch Thị Thanh Dân (TT Nghiên cứu Gia cầm Thuỵ Phương) với đề tài “Đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi” đã công bố chăn nuôi đang là nguồn gây ô nhiễm lớn cho đất, nước và không khí. Trong chăn nuôi gia cầm, số hộ có xử lý chất thải chỉ 15%, gia trại 37,5%, trang trại 35,7% còn lại đổ ra môi trường. Nước thải chăn nuôi vượt giới hạn cho phép hàng trăm lần, khí độc từ 11-15 lần. Dân mình ý thức kém quá, chỉ biết cái sạch trong nhà, ra đến cổng là vứt rác, ra đến ngõ là quăng phế thải. Ông Tạo kể một ví dụ, chuyện ông Bất đầu làng nuôi lợn con nhưng bị dịch chết, bỏ vào bao vứt sang cạnh nhà anh Tở. Nhà Tở tức mình cũng rình buổi tối, lúc vợ chồng nhà Bất ngủ say mang bao tải lợn chết ra vứt trả lại. Tí nữa thì xảy ra xung đột. Kiếm được đồng tiền nhờ chăn nuôi khổ cực mọi bề. Mùa nóng, dân làng Rền ăn cơm phải đóng cửa, tối đến chẳng mấy ai dám ra đường vì lúc ấy sương đè hơi thối bay là là, không chịu nổi. Mùa mưa còn cực hơn, nước duềnh lên kéo theo chất thải từ khắp các chuồng trại thành một thứ nước đen xì ngập khắp xóm làng, trào vào những sân, nhà ở dưới thấp. Vụ nọ, nước bẩn tràn ra đồng, làm lốp luôn cả hai mẫu lúa ven làng. Nước thải chăn nuôi, nước thải từ những bãi rác lộ thiên ngấm vào dòng kênh gần đó đã khiến mấy con bò của thôn xuống uống nước, chết sạch. Đến chốn thiêng liêng nhất là ngôi đình làng, mùa mưa trước, nước thải ngập đến đầu gối, khi rút đi để lại một lớp phân dày cộp, bẩn thỉu đến độ làng phải huy động từ nam thanh đến phụ lão đồng loạt ra rửa sân đình. Năm 2008, thôn Rền không được công nhận làng văn hoá, phần bởi có người đánh nhau, có người sinh con thứ ba, phần cũng bởi quá ô nhiễm. |