“Mỗi làng một sản phẩm” và kỳ vọng tăng thu nhập cho nông dân
Được đăng : 03/11/2016
Diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nhưng với chương trình “Mỗi làng một sản phẩm”, nông dân vẫn có thể tăng thu nhập.
Nhiều kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc giúp nông dân có được thu nhập cao hơn đã được GS.Hiramatsu Morihiko, người khởi xướng ý tưởng xây dựng “Mỗi làng một sản phẩm” chia sẻ tại buổi toạ đàm về chủ đề này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) tổ chức sáng 15/9, tại Hà Nội.
Đất nông nghiệp tiếp tục bị thu hẹp
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong vòng 5 năm (2001- 2005), tổng diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp của cả nước là trên 366 ngàn ha, chiếm 3,9 % diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng.
Dự báo đến năm 2015, sẽ có thêm khoảng 10-15% tổng diện tích đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích.
Cũng theo tính toán của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn), mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới 10 lao động nông nghiệp. Như vậy, việc thu hồi đất trong những năm qua và những năm tiếp theo sẽ làm cho hàng triệu lao động không có việc làm ở nông thôn phải dịch chuyển ra các thành phố, đô thị để kiếm sống.
Nhưng GS.Hiramatsu Morihiko, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến giao lưu quốc tế “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản cho rằng: Đây là hệ quả tất yếu của quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá ở hầu khắp các nước trên thế giới.
Do vậy, phải đi theo hướng tạo ra những sản phẩm mang nét riêng độc đáo, với giá trị gia tăng cao thì đời sống người nông dân ở các làng quê mới có thể cải thiện.
Ông phân tích: mặt tích cực, đây sẽ là cơ hội cho nông dân có thể “ly nông bất ly hương”, có được công ăn việc làm ổn định trên chính mảnh đất quê hương mình.
Quan trọng hơn việc phát triển nghề phi nông nghiệp cũng là một trong những biện pháp sử dụng nguồn lực tự nhiên ở khu vực nông thôn một cách hiệu quả. Điều này còn góp phần to lớn vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc, tạo nên sự khác biệt giữa các quốc gia trong thời kỳ hội nhập.
Sản phẩm địa phương, thương hiệu toàn cầu
Với kinh nghiệm của người từng phát động chương trình xây dựng “Mỗi làng một sản phẩm” tại Oita, một tỉnh nghèo cách Tokyo khoảng 800km từ năm 1979, GS.Hiramatsu chia sẻ: Mục tiêu của phong trào không phải là làm ra những sản phẩm lưu niệm bán cho khách du lịch, mà phải tạo ra những sản phẩm đặc trưng có thương hiệu riêng. Sản phẩm này không chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa mà còn phải vươn ra thị trường thế giới. Khi ấy, thu nhập của người nông dân mới đảm bảo cho họ cuộc sống và gắn bó với công việc mình đang làm.
Trên nguyên tắc này, nông dân phải tự xác định đâu là tiềm năng và thế mạnh của địa phương mình để từ đó có hướng đi cho phù hợp và phải tự
chịu rủi ro với những quyết định đó.
Chính quyền chỉ khuyến khích và giúp họ bằng việc hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu bán sản phẩm như: Tổ chức hội chợ triển lãm; thành lập các công ty tư nhân để giới thiệu sản phẩm...
Tại Oita, với sự hỗ trợ của chính quyền cùng sự sáng tạo của người dân địa phương, nhiều sản phẩm như nấm Đông Cô, chanh Kabosu, rượu Shochu... đến nay không chỉ được người người dân trên đất nước Nhật Bản mà còn được người tiêu dùng tại nhiều nước trên thế giới biết đến tên tuổi nhờ sự đặc biệt và mùi vị thơm ngon hiếm có. Điều này đã giúp cho thu nhập của người dân ở các địa phương của Oita đã tăng lên 2,3 lần so với mức bình quân 11.200USD/người vào năm 1979.
Phong trào do ông khởi xướng cũng đã nhận được sự quan tâm và học hỏi của lãnh đạo nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Phi như: Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia…
Tại Trung Quốc những năm gần đây đã có phong trào “Mỗi nhà máy một sản phẩm”, “Mỗi thành phố một sản phẩm”, “Mỗi làng một sản phẩm”. Thái Lan cũng đã áp dụng hệ thống chấm điểm 5 bậc để đánh giá các sản phẩm của địa phương. Sản phẩm đạt điểm 5 mới được xuất khẩu sang các nước khác, đạt điểm 3 chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Nếu đạt điểm 1 sản phẩm chỉ được bán tại vùng sản xuất.
Từng tới Oita để học tập kinh nghiệm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Xuân Hùng cũng cho rằng, với gần 3.000 làng nghề khác nhau, nước ta có rất nhiều lợi thể để phát triển theo mô hình “Mỗi làng một sản phẩm”. Ngoài ra, chương trình này còn giúp các địa phương phát huy được nguồn lực sẵn có và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỉ trọng sản phẩm và lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.