Mỗi năm, anh Phạm Văn Mão ở xã Nhị Bình, Hóc Môn, TPHCM thu nhập xấp xỉ nửa tỷ đồng từ trồng rau muống nước.
Những năm gần đây, mô hình trồng rau muống nước theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Nhị Bình, Hóc Môn, TP.HCM đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân.
Làm sau muống sạch không khó
Bà Huỳnh Thị Xuân Mai - Chủ tịch UBND xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn, TP. HCM), cho biết, một thời gian dài, vùng đất này thường xuyên bị ngập nên không phát triển được loại cây chủ lực nào, chỉ có cây rau muống nước góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Nhưng từ khi Sở NN&PTNT TP.HCM triển khai chương trình VietGAP, thói quen canh tác đã thay đổi và cuộc sống của bà con cải thiện rõ rệt.
Khoảng chục năm trước, nói trồng rau muống nước để làm giàu có lẽ chẳng ai tin. Anh Phạm Văn Mão cũng suy nghĩ như vậy, bởi rau muống giá rất rẻ và được trồng khắp nơi. Quê anh ở Bắc Giang, làm lụng vất vả mà không đủ ăn, để lại vợ con ở quê nhà, anh tìm đường vào Nam với mong ước thay đổi cuộc sống. Dừng chân ở huyện Thủ Đức, phụ làm rau muống cho một chủ ruộng, với cái nhìn của người quen nghề nông, anh tự nhủ, làm riêng sẽ có ăn.
Gom góp hết số tiền để dành cộng thêm vay mượn, anh thuê 6 công đất (0,6ha) ở Nhị Bình để trồng rau muống. Ngay vụ đầu tiên anh đã có lãi 4 triệu đồng. Tuy nhiên, thu nhập từ rau muống đủ trang trải cuộc sống gia đình nhưng rất bấp bênh do chỉ biết bán cho người mua gom, thường bị ép giá, có khi phải bỏ rau chết khô vì chẳng ai mua. Từ ngày theo học chương trình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng trên đồng rau của mình, cuộc sống của anh Mão bắt đầu khấm khá.
Anh nói, mới đầu theo cách trồng mới cũng khá vất vả, nhưng khi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình lại thấy ít tốn chi phí hơn cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà cây rau cho năng suất cao hơn; đầu ra luôn ổn định do được một số doanh nghiệp và hợp tác xã ký hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường.
Quen với cách làm mới, nắm được quy luật sinh trưởng cũng như biết được cách phòng ngừa sâu bệnh, anh mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích trồng rau muống nước lên 1,5ha và cứ mỗi vụ thu hoạch anh lãi 40 - 50 triệu đồng. Chu kỳ sinh trưởng của rau muống từ 25 - 28 ngày, nên anh có thu nhập 400 - 500 triệu đồng/năm.
Khách hàng đến mua tận ruộng
Anh Mão kể: "Trước đây, tôi sử dụng phân, thuốc "mo", thuốc kích thích bừa bãi vì nghĩ, miễn rau mau lớn, tươi tốt là được, sau này được tập huấn mới thấy cách canh tác ấy tác hại nghiêm trọng tới người tiêu dùng lẫn bản thân. Áp dụng kỹ thuật mới vào trồng trọt, hiệu quả sản xuất nâng lên thấy rõ, lại rất an toàn".
Bây giờ anh không còn vất vả chở rau ra chợ bán vì có người của công ty xuống tận nơi thu gom với giá 4.500 - 5.000 đồng/kg, cho dù thị trường xuống giá hay dội hàng.
Anh Mão cho biết thêm: "Mới đầu áp dụng quy trình VietGAP cũng có người trồng rau khuyên can vì cho rằng làm theo kinh nghiệm của người đi trước còn không nổi huống gì phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiều tiêu chuẩn. Cũng không ai tin rằng đầu ra có nơi bao trọn gói. Vậy nhưng tôi và nhiều bà con khác quyết làm theo nên cuộc sống thay đổi nhanh. Trước đây ở quê chẳng bao giờ tôi mơ ước có được nhà, xe, vậy mà bây giờ chỉ trồng rau muống mà có tất cả".