00:00 Số lượt truy cập: 3075011

Mỗi năm mất hàng ngàn tỷ đồng vì dịch bệnh thủy sản 

Được đăng : 03/11/2016

Đó là thông tin đưa ra trong buổi làm việc giữa Ngân hàng Thế giới (WB) với Tổng cục Thủy sản, Ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp về việc hỗ trợ nguồn vốn ODA cho dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD).


Theo Tổng Cục Thủy sản, mỗi năm ngành thủy sản nước ta mất hàng ngàn tỷ đồng vì dịch bệnh mà nguyên nhân lớn nhất là nằm ở con giống. Hiện tại, có tới 70% lượng tôm giống được sản xuất nhờ đánh bắt tôm bố mẹ ngoài tự nhiên, nên khó kiểm soát được chất lượng, dịch bệnh của tôm bố mẹ. Nhiều chuyên gia thủy sản cho rằng cả nước có khoảng 600.000 ha nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, mỗi năm cần một lượng tôm giống rất lớn, mà có tới 70% lượng tôm giống được thả nuôi không rõ nguồn gốc, chất lượng, thì chẳng khác gì nông dân đang đánh bạc với com tôm, với cuộc sống của mình

Trong khi đó, các cơ sở sản xuất tôm giống ở nước ta chưa áp dụng công nghệ sản xuất tôm giống mới cũng như chưa chú ý đến an toàn sinh học dịch bệnh như các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan …, nên tỷ lệ sản xuất tôm giống thành công chỉ ở mức 20-25%, bằng một nửa so với tỷ lệ ương giống thành công của thế giới.

Theo ông Đào Văn Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3, năm 2010 cả nước có 25.000 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, cần tới 40-50 tỷ tôm thẻ chân trắng giống. Tuy nhiên, nguồn tôm giống đạt chất lượng chỉ chiếm 30% nhu cầu, còn lại, người dân mua từ các cơ sở sản xuất tôm giống. Năm nay, có trên 50.000 ha nuôi tôm sú bị dịch bệnh và được Tổng cục Thủy sản cho chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Như vậy, thời gian tới nhu cầu tôm thẻ chân trắng giống khá lớn. Khi ấy, không ai có thể biết chất lượng tôm thẻ chân trắng sẽ đi về đâu?

Hiện việc sản xuất tôm sú giống bố mẹ sạch bệnh đang được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 thực hiện và tôm thẻ chân trắng giống bố mẹ sạch bệnh do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 thực hiện, mới chỉ dừng lại ở những bước đầu, cung cấp cho thị trường khoảng 500-600 triệu tôm giống. Một con số quá ít ỏi nếu so với nhu cầu nuôi tôm ở các tỉnh, TP ven biển.

Trước thực trạng đó, đại diện của WB cho rằng nếu các nhà quản lý, nhà khoa học không giải quyết được chuyện con giống thủy sản, thì sau 5 năm nữa ngành thủy sản nước ta sẽ tiếp tục lặp lại những khó khăn hiện nay là dịch bệnh lan rộng, chất lượng tôm giống không kiểm soát được, môi trường nuôi trồng ô nhiễm … Và, quan trọng hơn là uy tín cũng như thương hiệu tôm Việt Nam trên thị trường thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng (theo Trung tâm Nghiên cứu GAFIN, hiện nay, tôm Việt Nam đang đứng đầu ở thị trường Nhật Bản với thị phần 20,43%, đứng thứ 4 ở Mỹ với thị phần 8,89%, đứng thứ 7 ở EU với thị phần 4,11%).

Ông Nguyễn Quang Bắc, cán bộ dự án thuộc Ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), cho biết, Ngân hàng Thế giới cùng với Tổng cục Thủy sản đang tiến hành những bước đầu tiên cho dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững với số tiền là 125 triệu USD. Thời gian dự kiến bắt đầu thực hiện là 8/2012. Thời hạn của dự án là 5 năm. Trong đó, 100 triệu USD là vốn vay ODA từ WB. Một phần của số tiền này sẽ đầu tư cho sản xuất tôm bố mẹ sạch bệnh cung cấp cho nhu cầu của người dân.

Bộ NN-PTNT cũng đã đồng ý vay tiền từ WB để đầu tư thiết bị, nhân lực nhằm giải quyết bài toàn con giống thủy sản, qua đó, giúp giảm thiểu sự phát triển của dịch bệnh thủy sản ở mức thấp nhất có thể.