Mỗi năm thu nhập 500- 600 triệu đồng từ nuôi các con đặc sản
Được đăng : 03/11/2016
Anh Nguyễn Hữu Thành - một giáo dân xứ đạo Nghĩa Thành, Thị xã Thái Hoà (Nghệ An) - chủ một trang trại làm ăn có tiếng, mỗi năm thu nhập 500 - 600 triệu đồng.
Anh sinh năm 1965, trong một gia đình đông con ở xã Nam Lộc huyện Nam Đàn (Nghệ An), năm 1977 gia đình anh chuyển lên lập nghiệp trên vùng đất Thái Hòa. Đến năm 1986 anh lập gia đình ra ở riêng, anh đã bươn chải qua nhiều nghề nhưng vẫn nghèo. Đầu năm 2005, qua một người giới thiệu mô hình nuôi ba ba của một số trang trại ở thành phố Hà Tĩnh, anh Thành đã đến tham quan học hỏi. Nhận thấy đây là một nghề nuôi trồng mang lại giá trị kinh tế cao mà nhu cầu tiêu thụ trên thị trường lớn, anh về mạnh dạn vay mượn tiền của anh em và cầm cố bìa đất của gia đình vay ngân hàng được hơn 1 tỷ đồng, anh dồn hết đầu tư cải tạo 5 sào đất vườn nhà, thuê máy xúc múc hàng trăm mét khối đất đá, xây dựng ao nuôi, hệ thống cung cấp và xử lý nước... và mua giống về nuôi. Năm đầu tiên anh thả 2.000 con giống, lứa đầu nuôi do chưa có kinh nghiệm nên ba ba bị bệnh chết nhiều, anh vẫn quyết tâm làm lại, anh đến Trạm khuyến nông được tư vấn và mua thêm sách kỹ thuật chăn nuôi về nghiên cứu áp dụng. Đến nay, sau 5 năm chăn nuôi, khi đã tích lũy kinh nghiệm và nguồn vốn làm ăn, anh đã phát triển trang trại thành mô hình chăn nuôi nhiều loại giống con đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Chỉ tính lứa nuôi năm 2009, gia đình anh nuôi 2.000 con ba ba, sau thời gian nuôi từ 12 - 15 tháng, trọng lượng 1 đến 1,5 kg/con, giá bán từ 340.000 đến 360.000 đồng/kg, thu về hơn 300 triệu đồng tiền lãi. Anh nuôi 500 con bồ câu thịt, 400 con gà vịt mỗi năm cho thu nhập 50 - 60 triệu đồng, và nuôi thả trên 300 m2 ao mặt nước với các loại cá như: trắm, trê phi, lươn, vụ nuôi vừa qua cho thu hoạch 2 tấn cá, lươn lãi 100 triệu đồng. Anh Thành tâm sự: "Nhận thấy phát triển kinh tế theo hướng trang trại nuôi con đặc sản mang lại kinh tế cao, từ năm 2005 đến nay gia đình tiếp tục đầu tư trang trại với số vốn 3 tỷ đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi phục vụ nhu cầu của thị trường".
Năm 2010, gia đình anh thả 5.000 con ba ba giống, nuôi 3 cặp nhím bố mẹ để sinh sản (1 cặp nhím giống 14 triệu đồng); khi chúng tôi đến thăm, cũng là lúc anh vừa lặn lội từ Bình Định về được mấy hôm để mua 20 con cầy hương giống (với một cặp giống 15 triệu đồng), anh phấn khởi cho biết: "Tôi mới nuôi có mấy ngày mà đã có lãi rồi, trong số 20 con mua về có 2 con cầy hương mẹ đã có bầu sẵn, mới sinh thêm 9 con nhỏ... loài này nếu biết cách thì rất dễ nuôi và sinh sản rất nhanh".
Hiện nay giá bán trên thị trường khoảng 350.000 đồng/kg nhím thịt; 700 - 800 ngàn đồng/kg cầy hương thịt, tương lai thu nhập từ nuôi nhím và cầy hương của gia đình anh cũng rất khá. Việc bố trí mặt bằng chăn nuôi cũng hợp lý và hiệu quả, vùng đất trũng anh cải tạo làm ao nuôi chia thành các ô ngăn cách để nuôi ba ba, lươn, cá; trên mặt ao chăn thả vịt, còn khu đất cao anh xây chuồng trại khoanh nuôi nuôi nhím, cầy hương, gà... Còn trên các mái chuồng trại, mái nhà thì làm chuồng nuôi chim bồ câu lấy thịt. Hàng năm mô hình kinh tế trang trại của gia đình anh tiếp đón hàng trăm đoàn khách và nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan học tập anh nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và cung cấp kinh nghiệm làm ăn.
Không chỉ mạnh dạn phát triển thành công mô hình kinh tế tiêu biểu mà gia đình anh là một gương sáng luôn đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, sống tốt đời đẹp đạo, tham gia nhiều hoạt động xã hội, giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai bão lụt, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đến nay gia đình anh đã có một cơ ngơi kinh tế vững vàng và nuôi dạy con khôn lớn thành đạt.