Mỗi ngày có 180 tấn gia cầm vào Hà Nội không qua kiểm dịch
Được đăng : 03/11/2016
Tại cuộc họp công tác thú y giữa Hà Nội và các tỉnh phía bắc, ông Đào Duy Tâm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn HN, cho biết, các cơ sở chăn nuôi của Hà Nội hiện mới đáp ứng 8% đến 30% nhu cầu về gia súc gia cầm các loại. Do vậy, phần lớn sản phẩm này vẫn do các địa phương khác cung cấp cho thủ đô.
Mỗi ngày có từ 200 đến 250 tấn gia súc gia cầm vận chuyển vào thành phố. Tuy đã có 8 trạm kiểm dịch trên các tuyến giao thông, nhưng do thành phố có nhiều đường ngang, ngõ tắt nên nhiều công tác kiểm dịch chưa chặt chẽ, khoảng 80-90% xe chở gia cầm "qua mắt" chốt kiểm dịch.
Phó giám đốc Sở thừa nhận, mặc dù Hà Nội chỉ phúc kiểm sản phẩm, việc kiểm dịch chính thức do các chi cục thú y địa phương. Song thực trạng trên cho thấy nguy cơ lây nhiễm bệnh gia súc gia cầm là rất lớn.
Để ngăn ngừa khả năng năm nay dịch tái phát, các tỉnh lân cận cần có thông tin công khai, phối hợp kiểm dịch chặt chẽ với Hà Nội. Bài học về gia súc nhiễm dịch tại một số hộ dân xã Tân Hưng, Sóc Sơn từ Bắc Giang đưa sang rất đáng được lưu tâm.
Tuy nhiên, một số đại diện thú y các tỉnh chưa đồng tình với phương pháp phúc kiểm tại Hà Nội. Họ cho rằng, nhiều hộ nông dân ở địa phương không chấp hành kiểm dịch tại cơ sở vì đã qua kiểm định tại thành phố. Do vậy, đã có kiểm dịch tại địa phương thì không cần phúc kiểm.
Ông Tâm cho rằng, Hà Nội sẽ siết chặt hơn công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, như thống nhất phương tiện vận chuyển phải có biển báo, đi đúng đường, vẫn áp dụng phúc kiểm. Các địa phương phải có cam kết không vận chuyển nguồn hàng mang dịch bệnh vào thành phố.
Lò mổ hiện đại "dậm chân tại chỗ".
Theo kế hoạch, HN sẽ xây dựng 5 cơ sở giết mổ gia súc quy mô hiện đại tại các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và 2 lò giết mổ gia cầm tại Gia Lâm, Thanh Trì. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, việc triển khai gần như "dậm chân tại chỗ".
Theo một chuyên gia nông nghiệp, nguyên nhân đình trệ do các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư lò giết mổ, trong khi đó thành phố chủ trương không đầu tư mà chỉ ưu đãi cơ chế, chính sách. Hầu hết cho rằng sản phẩm đông lạnh hiện vẫn được coi là khó tiêu thụ. "Đầu tư lò giết mổ là cầm chắc lỗ", cán bộ này khẳng định.