Một góc trang trại của ông Hoàng Duy Hoàn. Ảnh: Hồng Sơn |
Nhớ lại buổi đầu đến lập nghiệp, ông cho biết: “Cuộc sống vô cùng chật vật, cơm không đủ ăn. Trong hai năm, gia đình sống trong một túp lều nhỏ bên hồ”. Vì thua lỗ khi tham gia sản xuất hàng gia dụng trước đây, nên năm 1996 khi chuyển sang kinh tế nông nghiệp, gia đình khởi nghiệp với hai bàn tay trắng. Không tiền, không đất, ông phải vay mượn 9 chỉ vàng để mua 1,1 ha đất. Lấy ngắn nuôi dài, nhưng vì vốn ít, diện tích canh tác nhỏ, mất mùa nên chưa ra khỏi túng thiếu. Bước ngoặt đánh dấu thành công của ngày hôm nay là khi nhà máy đường có mặt trên địa bàn, ông quyết định chuyển sang trồng mía, kết hợp với mô hình chăn nuôi và trồng cây ăn quả.
Nhờ cần cù, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Hoàn thành công. Đứng giữa cơ ngơi là căn nhà rộng rãi thoáng mát, vườn cây ăn trái trĩu quả, ông Hoàn cho biết: Hiện tại, ông có 6 ha mía, 4 ha còn lại sản xuất theo mô hình VAC, 1.000 gốc xoài ghép đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Hệ thống tường rào khép kín để ông có thể chăn nuôi 100 thỏ đẻ, 100 con heo nái, heo sọc dưa và heo rừng, hươu, nai, gà thịt và 100 con ngan. 3 sào diện tích mặt nước thì nuôi thả cá thịt, thêm 2,5 ha mì làm thức ăn phục vụ chăn nuôi. Ngoài ra, ông còn đầu tư một máy trồng mía trị giá 500 triệu đồng, ngoài phục vụ gia đình còn phục vụ nhu cầu bà con địa phương.
Ông Hoàn chia sẻ: Vùng đất này phù hợp với cây xoài. Nhưng giống xoài tại địa phương cho năng suất chất lượng kém, chỉ 1.000 đồng/kg. Qua tìm hiểu, ông đã tiến hành ghép với các giống xoài cho năng suất cao như: Xoài cát Hòa Lộc, Thái Lan, Đài Loan, năng suất cao hơn rất nhiều, mỗi quả nặng trung bình 1,5 kg, giá thị trường từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/kg. Nhờ vậy, mỗi gốc xoài cho thu nhập từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn chuyển đổi các giống mía mới như: Ku00-158, K85-200… cho năng suất cao. Nhờ kết hợp tiến bộ khoa học và có biện pháp tăng gia, thâm canh phù hợp từ trồng trọt và chăn nuôi mà mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông cũng thu lãi trên 300 triệu đồng.
Năm 2007, ông Hoàn đã được Hội Cựu chiến binh Việt Nam trao tặng bằng khen về phong trào cựu chiến binh xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Hiện tại, ông là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Ông Hoàn cho biết, từ đầu năm 2010 đến nay đã có 10 hộ gia đình được ông tận tình hướng dẫn mô hình sản xuất và kỹ thuật ghép xoài. Thời gian tới, ông sẽ đẩy mạnh phát triển mô hình chăn nuôi heo rừng và nhím.