Một người nông dân đã tự sáng chế và bán được 15 chiếc máy gặt đập liên hợp
Được đăng : 03/11/2016
Chỉ sau 4 ngày, anh Huỳnh Văn Út ở xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp chào bán chiếc máy gặt đập liên hợp của mình tại Chợ thiết bị công nghệ ĐBSCL, đã có 15 hợp đồng đặt hàng mua máy. Thời điểm này, anh đang phải huy động toàn bộ lực lượng đội ngũ công nhân của xưởng cơ khí và cả anh em, họ hàng trong gia đình, tham gia lắp ráp máy gặt đập liên hợp để kịp tiến độ bàn giao máy theo hợp đồng.
Giống như bao nông dân khác ở tỉnh Đồng Tháp, nguồn thu chính của gia đình anh Huỳnh Văn Út, xã An Bình, huyện Cao Lãnh, là từ trồng lúa. Riêng gia đình anh đã có tới 15 ha đất trồng lúa. Đất thì tốt, lúa thì được mùa, nhưng thuê nhân công gặt lúa lại vô cùng tốn kém. Một ngày gặt lúa, nếu thuê 1 nhân công anh cũng tiêu tốn đến cả trăm nghìn đồng. Cả xã anh ở, bà còn cũng vô cùng lúng túng vì chuyện thuê nhân công thu hoạch lúa.
Bao nhiêu năm gắn bó với đồng ruộng, mà cái công việc đồng áng vẫn khiến bao người dân cứ vất vả mãi. Cái cách làm ăn theo lối thủ công, con trâu đi trước cái cày theo sau mãi không thay đổi, chắc chắn người nông dân sẽ không thể an nhàn. Thế rồi một ngày, lên thành phố HCM chơi, anh bắt gặp một chiếc máy gặt đập liên hợp của Nhật được chào bán, anh mê luôn. Về đến nhà, gom góp hết số tiền tích luỹ của gia đình, cộng với tiền vay mượn của anh em bạn bè, anh đã đủ tiền sắm một chiếc máy gặt đập liên hợp “Made in Japan”.
Mừng chưa được bao lâu, chiếc máy gặt đập đồ sộ và hiện đại này không chịu tuân theo mệnh lệnh của ông chủ. Máy cứ vừa chạy, lại vừa đẩy, lúa cắt thì rơi vãi đến 30%, loay hoay đến cả một vụ lúa năm 2003, anh không thể khắc phục được cỗ máy khổng lồ mà vô tích sự đó. Anh hiểu, không phải cỗ máy này không tốt mà vì nó không phù hợp với điều kiện canh tác ở Việt Nam. Chiếc máy này chỉ phù hợp với phương thức canh tác bằng máy ngay từ khi gieo hạt, đánh luống, hơn nữa giống lúa của Nhật thường cao hơn của Việt Nam, nên ngay kích cỡ cắt của máy đã không phù hợp với giống lúa Việt Nam.
Không chấp nhận thất bại, chiếc máy của Nhật chính là công cụ để anh nghiên cứu và chế tạo ra chiếc máy gặt đập liên hợp sau này. Sau hơn 3 năm kiên trì nghiên cứu, thậm chí anh còn tháo dời chiếc máy của Nhật để tìm ra nguyên lý vận hành cơ bản của nó. Cứ mày mò từ từ, anh đã tìm ra và thiết kế nên chiếc máy gặt đập liên hợp của chính mình. Để có được chiếc máy, anh đã tận dụng động cơ chuyển động, hộp xích của chiếc máy ngoại, còn lại, tất cả các thiết bị khác như bộ phận cắt xếp dải, băng chuyền tải lúa, hộp đập tách hạt, anh đều tự thiết kế và chế tạo.
Thật bất ngờ, đầu năm 2006, chiếc máy gặt đập liên hợp của anh đã vận hành thành công trước sự chứng kiến của đông đảo bà con trong xã. Đồng ruộng thì ngập nước, ai cũng lo chiếc máy này không thể lăn bánh được. Nhưng ngược lại với sự lo lắng của bà con, băng băng qua những bờ ruộng nhấp nhô, những thửa ruộng quanh co không bằng phẳng, máy gặt lúa, đập và cho ra tải không rơi vãi. Vụ mùa vừa qua, gia đình anh đã có một nguồn thu tương đối khá từ công việc gặt thuê cho bà con trong tỉnh Đồng Tháp.
Đem máy đến chào bán tại chợ thiết bị công nghệ ĐBSCL 2006 là quyết định cực kỳ mạnh dạn của một nhà sáng chế nông dân. Anh cũng không thể nghĩ rằng, chiếc máy lại có sức hấp dẫn khách mua hàng đến như vậy. Hàng trăm người cứ vây quanh gian hàng, hỏi đủ mọi thứ, khiến anh cứ mệt nhoài cả người chỉ vì quảng cáo, thuyết minh tính năng của chiếc máy khổng lồ này.
Không bỏ lỡ cơ hội và cũng rất nhạy bén với cơ chế thị trường, anh đã ghi cảnh chiếc máy gặt đập tại đồng ruộng, và chiếu đi, chiếu lại ngay tại quầy hàng của mình. Nói nhiều đến đâu đi chăng nữa nhưng nếu không được chứng kiến tận nơi thì cũng chưa thể thuyết phục được người mua. Máy gặt đập của anh Út được trình chiếu với những hình ảnh sinh động chíng là một minh chứng đầy sức thuyết phục về hiệu quả và tiện ích của một chiếc máy do người nông dân sáng chế.
Kết quả thật bất ngờ, chiếc máy gặt đập liên hợp đã thuyết phục được 15 khách hàng là những ông nông dân vô cùng khó tính. Cộng với 4 chiếc, bạn bè hàng xóm đặt hàng thì hiện nay số máy anh phải hoàn thiện trong năm 2006 là 19 máy gặt đập liên hợp. Với số tiền 100 triệu/ máy, tổng cộng anh đã có gần 2 tỷ đồng, số tiền lãi dự tính khoảng gần 500 triệu đồng, một con số không hề nhỏ so với nguồn thu của gia đình anh cũng như của rất nhiều gia đình nông dân khác.