Ông Chung kể lại: “Năm 1976, dịch rầy nâu hoành hành ở Tiền Giang nên lúa giống rất khan hiếm. Vì vậy, nghe tin GS.TS Võ Tòng Xuân (Trường Đại học Cần Thơ) mang từ Viện Lúa quốc tế (IRRI) về một ít giống lúa IR36 để phân phát cho ngành nông nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trồng thử nghiệm, tôi lặn lội sang tận Cần Thơ xin lúa giống”. Do số lúa giống đã được phân phát hết nên ông chỉ xin được 7 hạt. Về nhà, ông đem gieo 7 hạt lúa nhưng 1 hạt bị lép không nảy mầm. Được sự chăm sóc kỹ càng của ông, 6 hạt còn lại nhanh chóng phát triển thành sáu bụi. ông chuyển sang trồng trong chậu kiểng trước sân nhà. Do khan hiếm giống nên ông nảy ý định tỉa và nhân thành 120 cây lúa. Cây lúa chín đến đâu, ông dùng kéo cắt hạt để tiếp tục nhân giống tới đó. Cuối năm 1977, ông có đủ lượng lúa giống để gieo sạ trên 3,2ha đất của gia đình. Lúa giống do ông lai tạo có nhiều ưu điểm như: kháng rầy, năng suất cao, đẻ nhánh nhiều, bông dài và hạt chắc, đặc biệt năng suất đạt mức kỷ lục 5 tấn/ha. Chỉ 3 năm sau, ông sản xuất được hơn 60 tấn lúa giống. Đưa chúng tôi thăm trang trại nuôi hàng trăm con heo, ông kể tiếp: “Khi việc nhân giống lúa thành công, tôi nghĩ đến chuyện chăn nuôi gia súc”. Ông được cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (lúc ấy đang là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh) gửi tặng 2 con heo giống. Không phụ lòng vị lãnh đạo nhân hậu, ông đầu tư chuồng trại để nuôi và nhân giống heo. Từ đó, đàn heo của gia đình ông ngày càng tăng, công việc chăn nuôi dần được tổ chức theo hướng công nghiệp hóa. Hiện, trang trại của ông Chung có đến 6 trại nuôi heo với hơn 500 con. Trong đó có khoảng 200 con heo nái (giống Pháp), 35 con heo đực, còn lại là heo thịt. Ngoài bán heo thịt, heo giống, ông còn làm dịch vụ gieo tinh nhân tạo. Chỉ riêng chăn nuôi heo mỗi năm gia đình ông có nguồn thu trên 500 triệu đồng. Rời khu vực nuôi heo, chúng tôi theo chân ông sang vườn mận (miền Bắc gọi là gioi). Sau khi thành công với mô hình nhân giống lúa và nuôi heo, ông tiếp tục sang nhượng thêm 3ha đất để trồng cây ăn trái và nuôi thủy sản theo mô hình VAC. Giờ đây, ngoài 1ha lúa giống, 6 trại heo, ông còn có 3,5ha mận An Phước. Dưới ao mương, ông thả cá tai tượng, trê. Do đó, tháng nào ông cũng có nguồn thu nhập cao. Chỉ riêng giống mận An Phước, với giá bình quân 5.000 đồng/kg, mỗi năm ông có thu hơn 170 triệu đồng. Công việc làm ăn bận rộn nhưng ông Chung vẫn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Trang trại của ông đã tạo việc làm cho 15 lao động địa phương với mức lương 1,8 triệu đồng/người/tháng. Có thể khẳng định, trang trại của ông Chung là một trong những mô hình có quy mô lớn và bài bản nhất Tiền Giang. Nhờ thành quả trong sản xuất, ông đã vinh dự được các ngành, tổ chức mời đi trao đổi kinh nghiệm sản xuất lúa ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều năm liền ông được công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - PTNT tặng Bằng khen. |