00:00 Số lượt truy cập: 3193376

Một nông dân có chí làm giàu 

Được đăng : 03/11/2016

Đó là anh Nguyễn Hữu Huệ ở khu 8, xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ). Sinh năm 1968, năm nay mới ở tuổi 39 nhưng anh Huệ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng một trang trại chăn nuôi vịt và kết hợp nuôi trồng thủy sản theo quy mô lớn trên diện tích 5,8 ha. Thực ra 15 năm trước khu trang trại của anh Huệ chính là khu đầm lầy hoang vu toàn cây dại và bèo, lác, anh Huệ ngày ấy cũng đang độ tuổi thanh niên trai tráng.


Thấy đồng đất quê mình trù phú nhưng còn nhiều diện tích bỏ hoang chưa khai thác hết, anh liền bàn với gia đình xin chính quyền nhận thầu khu đầm 9 mẫu (chính là khu trang trại bây giờ), nhiều người đã khuyên anh đừng mạo hiểm bởi khu đầm rộng mênh mông, toàn cỏ dại, chỉ riêng việc nhổ cỏ cũng đã ốm nói chi cấy được cây lúa xuống. Giả sử có nhổ được cỏ cấy được lúa xuống thì cũng chắc gì được ăn vì nước lúc nào cũng ngập trắng đồng. Nhưng anh Huệ vẫn quyết làm, bởi anh tin vào cách nghĩ “chẳng giống ai” của mình, nếu người ta chỉ nghĩ đến trồng lúa thì anh lại tính đến phương án tận dụng diện tích mặt nước để nuôi thả cá và chăn nuôi vịt.

Nghĩ là làm, anh Huệ mạnh dạn làm đơn nhận thầu khu đầm 9 mẫu để thả cá và nuôi vịt. Ban đầu vốn ít, chưa có kinh nghiệm chăn nuôi anh mua vịt giống và các giống cá truyền thống như trôi, trắm, mè, chép về thả, dần dần tích luỹ có chút vốn anh Huệ bắt tay vào cải tạo đầm lầy, đắp bờ quy hoạch vùng nuôi. Sau gần 7 năm tích luỹ kinh nghiệm từ thực tế và tích luỹ vốn đến năm 2007 anh Huệ bắt đầu chuyển đổi phương thức làm ăn nhỏ lẻ sang cung cấp vịt giống, vịt thương phẩm và cá thương phẩm cho thị trường. Để có số lượng sản phẩm hàng hóa lớn một mặt anh đầu tư khép kín công đoạn từ nuôi vịt bố mẹ đến sản xuất vịt giống, một mặt anh quy hoạch đầu tư hệ thống các ao nuôi thả cá kết hợp chăn thả vịt thịt.

Đối với vịt anh tập trung nuôi các giống: Vịt siêu trứng, vịt bầu cánh trắng, vịt bơ... đang được thị trường ưa chuộng, đầu tư hơn 100 triệu để xây dựng lò ấp công suất 6.000 trứng/1 lần ấp, nhằm cung cấp cả vịt giống cho thị trường và cho trang trại chăn nuôi. Anh Huệ cho biết vào mùa ấp trứng (từ tháng 1 đến tháng 7), trang trại của anh có khả năng cung cấp được 10 vạn vịt giống/ tháng nếu như có thị trường tiêu thụ và có nhiều khách hàng đến đặt mua. Để đảm bảo nguồn cung cấp giống anh luôn duy trì từ 3.000 đến 5.000 vịt bố mẹ.

Hiện nay để mở rộng chăn nuôi theo quy mô lớn anh đã mạnh dạn đầu tư giai đoạn1: 800 triệu đồng xây dựng chuồng trại. Khoát tay chỉ về khu động rộng mênh mông của mình anh Huệ nói “Tôi đã làm được gì đâu, chị thấy đấy trang trại còn đang ngổn ngang các công trình xây dựng. Hiện tôi mới chỉ kè xong toàn bộ hệ thống ao nuôi, còn đang tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2 bao gồm: 2 dãy nhà chăn nuôi 60 gian quy mô nuôi 5.000 vịt đẻ, 3.000 vịt thịt, rồi nhà ở, nhà bảo vệ, làm đường bê tông vào trang trại... Ước tính cũng phải 600 triệu đồng nữa mới ổn”.

Về nuôi trồng thủy sản để giảm chi phí đầu vào xuống mức thấp nhất anh Huệ bắt đầu từ khâu ươm nuôi cá bột, sau 1 tuần đến 10 ngày tuổi thì chuyển sang các ao nuôi tùy theo độ tuổi của cá, từ đó đã làm giảm đáng kể tỷ lệ khấu hao cá giống và giảm chi phí đầu vào. Tuy nhiên để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích nuôi thả anh đưa vào nuôi các giống cá có giá trị kinh tế cao như rô phi đơn tính, cá chép lai cùng đan xen với các giống cá truyền thống. Nhờ biết kết hợp khéo léo giữa chăn nuôi cá và vịt, mỗi năm trang trại của anh Huệ cung cấp cho thị trường 30 vạn vịt con, trên 12 tấn vịt thịt và 20 tấn cá các loại. Tổng doanh thu khiêm tốn cũng đạt 2 tỷ đồng/năm, ngoài ra anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại trang trại và hàng chục lao động thời vụ.

Anh Huệ cho biết: Do vốn đầu tư vào trang trại lớn nên bắt buộc anh phải đi vay, nhưng điều lo lắng ở đây không phải là không vay được vốn, mà chính là những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm đã ảnh hưởng mạnh tới sản xuất của trang trại. Tính sơ sơ từ khi trên địa bàn tỉnh tái phát dịch thì mỗi ngày trang trại của anh phải chịu lỗ khoảng 1 triệu đồng do giá vịt giống tụt từ 4.000 đồng/con xuống còn 2.200- 2.500 đồng/con, mà vẫn đang tồn đọng hàng ngàn con không xuất bán được, trong khi đó vịt thịt

cũng tiêu thụ chậm hẳn. Vịt giống, vịt thịt tiêu thụ chậm nhưng giá thức ăn không giảm và còn có xu hướng tăng, lãi suất ngân hàng đến kỳ phải trả khiến những người chăn nuôi lớn như anh Huệ không thể không lo lắng cho bài toán kinh tế của mình.

Thế nhưng anh vẫn lạc quan bảo với chúng tôi: “Làm ăn âu cũng có lúc thắng lúc thua, thôi thì lấy cái nọ bù cái kia, năm nay cố gắng sản xuất hòa để chờ thời cơ vậy. Những người làm ăn chân đất như chúng tôi chỉ mong Nhà nước có cơ chế chính sách rõ ràng về chăn nuôi giúp chúng tôi hạn chế rủi ro, nhất là khi xảy ra dịch bệnh”. Trước khi chia tay tôi anh Huệ còn dặn: “Nhờ các chị nói giúp với các cơ quan chuyên môn tạo điều kiện kiểm tra cấp giấy xác nhận chất lượng chăn nuôi cho các trang trại chăn nuôi ở Thanh Thủy để chúng tôi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn”.