00:00 Số lượt truy cập: 2668871

Một nông dân làm nên kỳ tích! 

Được đăng : 03/11/2016
Đó là nhận xét của Phó Giáo sư-Tiến sĩ, Mai Thành Phụng (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh) dành cho anh Huỳnh Văn Út (ngụ tại ấp An Lạc, xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), sau khi đã dày công tìm hiểu chiếc máy gặt đập liên hợp của "nhà sáng chế" nông dân này.

"Cải tiến thành công chiếc máy gặt đập liên hợp là một việc làm cực kỳ khó và ông Út làm được, quả là một kỳ tích! Chiếc máy ra đời là giải pháp tốt khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng lao động nông nghiệp, nông thôn hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi đánh giá rất cao công trình chế tạo, cải tiến máy này vì đã tận mắt chứng kiến chiếc máy hoạt động tốt, tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch thấp, thao tác nhẹ nhàng, dễ điều khiển. Ngoài ra, chiếc máy có giá chỉ 100 triệu đồng, so với các loại máy khác có cùng tính năng thì rẻ hơn nhiều...".

Nông dân tỉnh Đồng Tháp ít ai không biết đến ông Huỳnh Văn Út, người đã mày mò gần ba năm trời để cải tiến thành công máy gặt đập liên hợp có thể cắt, tuốt và đóng bao, mỗi ngày tới 3 héc-ta lúa, chỉ tốn có 25 lít dầu…

Anh Út tâm sự về thành công ngoài mong đợi của mình. Điều mà anh vui sướng hơn cả là mới đây được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cùng Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến thăm hỏi, khen ngợi… Anh cho biết: "Nhà tôi bao đời làm nghề nông, bản thân tôi cũng đã 15 năm làm ruộng, cũng như bao bà con khác, cứ đến vụ là cuống cuồng, chạy đôn chạy đáo kiếm nhân công thuê gặt, đập… khổ lắm. Thời gian này, thanh niên, nam nữ bỏ nghề nông, đi đến các khu công nghiệp, khu chế xuất làm việc hết cả rồi, đến vụ, 15 ha lúa của anh em chúng tôi muốn gặt cũng phải mất thời gian vài tuần lễ… Ngẫm vậy, tôi liền mày mò và tìm cách sáng chế, cải tiến máy gặt đập đa năng vừa cắt lúa, tuốt lúa và đóng bao sao cho mang lại hiệu quả, năng suất cao...".

Từ năm 2001, để bắt tay vào việc sáng chế, anh Út mua máy đã qua sử dụng, chỉ giữ lại bộ hộp số, sườn máy và nghiên cứu chế tạo mới 80% linh kiện. Sau gần 3 năm dày công thử nghiệm, chiếc máy gặt đập liên hợp đa năng đã hoàn chỉnh với nhiều tính năng ưu việt. Máy chỉ nặng 1.300kg, bánh xích bằng cao su chống lầy (chống lún) làm việc được ở mọi địa hình. Đặc biệt, đối với các loại máy khác, nếu nước ruộng sâu khoảng 20cm thì khó mà làm được thì chiếc máy của anh Út vẫn có thể làm việc bình thường. Để máy làm việc được đa năng, anh Út còn chế tạo bộ truyền lực của động cơ hoàn toàn tự động cùng với hệ thống ben nâng lên hạ xuống tự động giúp cho thao tác máy nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Một ưu việt khác là khi máy làm việc, nếu gặp vật cản (cứng) thì sẽ tự động ngừng để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các bộ phận của máy. Để làm được việc này, anh Út đã cho máy chạy thử trên ruộng hàng tháng trời, sau đó vừa chỉnh, vừa tự rút kinh nghiệm để cải tiến dần.

Không chỉ cải tiến về động cơ, tính năng, là nông dân "chuyên nghiệp", anh thừa biết "giá trị thặng dư" của công việc làm lúa so với một số ngành nghề khác là không nhiều. Nếu máy càng tiết kiệm nhiên liệu thì sẽ giúp nông dân có nhiều lợi nhuận hơn, do đó chiếc máy của anh dù động cơ rất mạnh nhưng nhờ cải tiến bình xăng con và bộ truyền dẫn xăng nên tiêu thụ rất ít nhiên liệu. Nếu một ngày làm việc (khoảng 10 giờ) thì chỉ tốn khoảng 25 lít dầu nhưng năng suất thu hoạch đạt tới 3 héc-ta. Do bộ phận cải tiến của máy được đặt hàng sản xuất nên độ bền cao và tỷ lệ hao hụt trong thu hoạch rất thấp, chỉ dưới khoảng 5%. Dù chỉ mới cải tiến thành công nhưng hiện anh Út đã lắp ráp hoàn chỉnh 7 chiếc máy để gia đình sử dụng và cho bà con thuê với giá ưu đãi, chỉ 150.000 đồng/công (1000m2) gồm gặt đập, kéo lúa vào tận bờ ruộng, rất thuận lợi cho chủ ruộng. Không phải quảng cáo, mà do người dân thấy tiện lợi, "tuyên truyền" cho nhau, nên đến nay bà con nông dân ở khắp nơi đã tìm đến cơ sở của anh để đặt hàng. Hiện nay, anh không làm việc đồng áng nữa mà dành thời gian cải tiến, chế tạo 20 chiếc máy theo hợp đồng vừa ký. Nếu có vốn, trung bình 15 ngày anh sẽ "sản xuất" xong một chiếc máy (và bảo hành 3 năm).

Anh Út cho biết, có rất đông bà con đã tìm đến đặt mua máy nhưng anh không đáp ứng được nên chỉ nhận làm theo khả năng. "Với phương châm: tốt-bền-rẻ nhưng hiệu quả làm việc cao, tôi chỉ bán máy với giá thấp, chủ yếu là lấy công làm lãi…".

Điều trăn trở nhất của anh Út hiện nay là việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Để có được chứng nhận quyền sở hữu công trình do Cục Sở hữu trí tuệ cấp, phải tốn vài chục triệu đồng-một số tiền khá lớn đối với gia đình-nên anh chưa có điều kiện làm được.