Từ lâu sản xuất nông sản nói chung, chăn nuôi nói riêng đã mang tính chất sản xuất hàng hóa. Đã là sản xuất hàng hóa thì phải sản xuất ra những sản phẩm gì mà thị trường cần, với số lượng khá lớn, giá cả phù hợp, chất lượng cao, cuối cùng là phải thu được một khoản lợi nhuận hợp lý.
Song từ đầu năm 2008 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, có tháng tăng giá 3 lần, bình quân giá thức ăn hỗn hợp các loại tăng gấp 2 lần, trong khi giá thu mua các sản phẩm chăn nuôi lại giảm khoảng 40%, do nhập quá nhiều sản phẩm thịt heo và thịt gà(nhất là chân gà, cánh gà, lòng, mề gà - là những sản phẩm nước ngoài chỉ dùng chế biến thức ăn chăn nuôi), cho nên giá rất rẻ. Tuy nhiên qua việc khủng hoảng ngành chăn nuôi hiện nay cũng thể hiện sự cạnh tranh yếu kém của các sản phẩm chăn nuôi của nước ta cần phải sớm có giải pháp khắc phục.
Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: chọn đối tượng vật nuôi thích hợp, với qui mô đàn hợp lý, chọn giống có chất lượng cao, xây dựng chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi đúng yêu cầu kỹ thuật; đầu tư thức ăn đủ số lượng, chất lượng cao và cho ăn, uống đúng qui định; chăm sóc chu đáo; phòng trị bệnh nghiệm ngặt; tiêu thụ sản phẩm kịp thời; ghi chép theo dõi các khoản thu, chi và điều chỉnh các khoản chi mua vật tư khi thị trường biến động lớn theo hướng có lợi; quay vòng vốn nhanh và giảm các khoản vốn vay vv…
Trước hết là khâu chọn giống, giống tốt thì nuôi mau lớn, trọng lượng xuất chuồng cao, chi phí thức ăn thấp, ít bị bệnh, chất lượng sản phẩm cao, nên bán được giá cao hơn các giống chất lượng thấp, cuối cùng sẽ được lời nhiều. Chọn giống cao sản, do các cơ sở nhân giống có đăng ký sản xuất giống; được chọn lọc nghiêm ngặt đúng theo qui trình sản xuất giống. Được kiểm dịch và phòng ngừa đủ các hệnh nguy hiểm trong quá trình sản xuất giống.
Tùy vào điều kiện tiền vốn, lao động, kỹ thuật và kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ sản phẩm của địa phương mà quyết định qui mô đàn cho phù hợp. Nếu nuôi gia súc, gia cầm thương phẩm, bán thịt, thì nên bố trí nuôi một số gia súc, gia cầm bố, mẹ để tự lực về giống, vừa giảm chi phí về con giống, vừa chủ động trong sản xuất, lại hạn chế dịch bệnh do quá trình mua con giống từ nơi khác và do quá trình vận chuyển làm dịch bệnh lây lan. Bố trí nuôi gối đầu, bán bầy này lấy tiền nuôi bầy kia; hay nuôi gia súc, gia cầm sinh sản bán con giống hay bán trứng lấy tiền mua thức ăn đầu tư trở lại cho chăn nuôi.
Về chuồng trại phải xây dựng ở nơi cao dáo, thoáng mát, xa nhà ở, làm chuồng theo hướng Đông –
Trong chăn nuôi chi phí thức ăn thường chiếm từ 60 - 70% giá thành sản phẩm. Vì vậy tìm mọi cách để giảm chi phí thức ăn mà không làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của vật nuôi sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất làm giảm chi phí và giá thành sản phẩm chăn nuôi. Giải pháp thực thi nhất là tận dụng triệt để các nguồn nguyên liệu, các phế phụ phẩm của nông nghiệp và hải sản tại địa phương hay trồng các cây thức ăn gia súc như bắp vàng, khoai lang, khoai mì, các cây họ đậu, các cây thức ăn gia súc khác như cây Trichanthyra (cây chè khổng lồ), các loại cỏ cao sản, nuôi trùn Quế, nuôi cá rô phi sinh sản làm các nguyên liệu chế biến thức ăn. Sử dụng các loại máy nghiền, máy sấy, máy trộn, máy bằm cỏ làm nguyên liệu thức ăn và phối hợp với nhau theo đúng các công thức mà các chuyên gia về chăn nuôi đã khuyến cáo. Sử dụng rau xanh non, giá đậu, mộng mạ hay mua các loại Premix khoáng hay Premix vitamin( hay bà con quen gọi là thức ăn tăng trọng) để bổ sung một số loại sinh tố hay khoáng chất cho vật nuôi, nhất là gia súc, gia cầm sinh sản. Cho vật nuôi ăn, uống đủ số lượng thức ăn, nước uống theo độ tuổi, đúng giờ, đúng bữa, không cho ăn thức ăn ôi, mốc; vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày.
Thực hiện nghiêm ngặt qui trình ngừa bệnh cho vật nuôi bằng vacxin hay kháng sinh. Bảo quản vacxin đúng kỹ thuật, sử dụng đúng liệu trình lặp lại. Hàng ngày cho ăn sạch, uống sạch, ở sạch. Vệ sinh và xịt thuốc sát trùng chuồng trại định kỳ theo qui định. Theo dõi sức khỏe vật nuôi, nếu thấy bất thường là cách ly ngay. Phát hiện bệnh kịp thời, điều trị đúng bệnh, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng liệu trình. Khi vật nuôi bị bệnh chết do bệnh truyền nhiễm phải xử lý xác chết đúng qui định của thú y. Không bán chạy gia súc gia cầm khi biết là bị bệnh truyền nhiễm hay quăng xác chết xuống kênh mương làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Thực hiện phương thức chăn nuôi” Cùng vào, cùng ra”, tức là không nuôi xen nhiều đối tượng vật nuôi khác lứa tuổi, và sau mỗi lứa xuất chồng phải để trống chuồng 2 – 3 tuần mới nuôi lứa khác sau khi đã xử lý chuồng đúng kỹ thuật.
Hàng ngày, hay mỗi khi mua, bán vật tư hay sản phẩm chăn nuôi phải ghi chép sổ sách các khoản thu, chi; để sau khi thu hoạch sản phẩm hạch toán hiệu quả chăn nuôi cho chính xác. Cần tính đúng, tính đủ đầu vào và đầu ra, nhất là sản phẩm phụ, sản phẩm dở dang, lãi suất vốn vay, chi phí lao động. Nếu thấy khâu nào bất hợp lý so với qui định phải tìm rõ nguyên nhân để khắc phục. Trong chăn nuôi, lợi nhuận trên một đầu vật nuôi thường không lớn, vì vậy cần phải nuôi với qui mô vừa phải, hạn chế vay vốn khi chưa cần thiết, nuôi nhiều lứa trong năm, lấy công làm lời, tự sản xuất chế biến một phần thức ăn chăn nuôi, tận dụng triệt để chất thải làm nguồn thức ăn cho cá hay xử lý phân hữu cơ bón cho cấy trồng. Trong chăn nuôi hiện nay giá cả thị trường biến động rất lớn, lúc lời, lúc lỗ là chuyện bình thường, nên người chăn nuôi cần phải kiên trì, có điều chỉnh hợp lý qui mô đàn, không nên bán chạy đàn gia súc gia cầm khi chưa đủ độ tuổi xuất bán; đến khi giá thị trường tăng lại phục hồi không kịp, thiệt hại càng lớn hơn.
Trên đây là một vài giải pháp cơ bản, bà con có thể tham khảo áp dụng một cách linh hoạt vào điều kiện chăn nuôi của gia đình mình, có thể sẽ giúp cho bà con chăn nuôi ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.