00:00 Số lượt truy cập: 2999872

Một vốn bốn lời nhờ nuôi ếch 

Được đăng : 03/11/2016

Với mô hình nuôi ếch Thái Lan, gia đình ông Trần Văn Khẩu ở ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) là một trong những hộ cận nghèo, không có đất sản xuất đã có của ăn của để.


Sinh ra trong gia đình nghèo khó, ông Khẩu chỉ có vỏn vẹn gần 1.000 m2 đất thổ cư. Cho nên, gia đình ông đã phải làm nhiều việc để mưu sinh từ việc bắt cá, mò cua đến buôn bán nhỏ trên sông nhưng cũng chẳng thấm vào đâu trong khi gia đình có đến 7 miệng ăn. Các con ông vì vậy cũng lần lượt lên thành phố làm thuê với mong muốn giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ và có tiền phụ giúp gia đình. Nhưng với đồng lương ít ỏi đó làm sao đủ trang trải cho cuộc sống nơi thị thành nói chi đến việc gửi về nhà. Từ thực tế đó, ông nghĩ phải tìm ra cách làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Biết được người em rể của mình có nuôi ếch và thấy rất có hiệu quả, không tốn nhiều diện tích và chi phí, ông đã mạnh dạn nhờ em rể hướng dẫn và đến tận quận Cái Răng - TP. Cần Thơ để mua con giống về nuôi. Năm 2008, ông đã có trong tay hơn 500 con ếch Thái Lan. Sau gần ba tháng, ông thu hoạch vụ đầu tiên với số lượng khoảng 400 con, mỗi con nặng hơn 250 g, trừ hết mọi chi phí, ông vẫn còn lãi hơn 15 triệu đồng. Sau khi xuất bán lứa ếch đầu tiên, thấy mô hình nuôi ếch không khó, lại có hiệu quả kinh tế cao ông đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, chủ yếu tận dụng mặt nước ao, mương bên cạnh nhà. Vụ này, ông nuôi với số lượng trên 1.000 con. Năm nay, ếch trúng giá vào khoảng hơn 26.000 đ/kg, ông thu lãi gần 20 triệu đồng.

Có được thành công như vậy một phần vì qua nhiều lần trao đổi, học hỏi cán bộ khuyến nông xã và thực tế nuôi thử, ông đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi loài ếch này. Theo ông, nuôi ếch bằng lưới có thể tận dụng cho 2 vụ nuôi, tiết kiệm chi phí lại dễ vệ sinh lồng nên ếch cũng rất ít bị bệnh. Một điều nữa cần phải chú ý, ếch thường hay bị bệnh đường ruột nên khi cho ếch ăn không nên cho ăn no một lần mà nên phân ra thành nhiều bữa. Ếch là loài háo ăn nên khi đói, con lớn thường ăn con nhỏ. Để tránh hao hụt, ông đã lựa những con lớn, con nhỏ ra nuôi riêng ở những lồng khác nhau.

Thấy gia đình ông thu lợi cao từ nghề nuôi ếch, không ít người đã đến tham quan học tập và nuôi thử. Từ thực tế đó, ông đã chủ động nhân giống nhiều hơn để bán. Ban đầu, ông chỉ nhân giống từ 7 - 8 cặp. Lứa ếch giống đầu tiên vào đầu năm 2010, ông thu hoạch được gần 20.000 con, thu nhập trên 15 triệu đồng từ việc bán ếch con. Giá ếch con luôn cao, thường dao động từ 1.000 - 2.000 đ/con. Dù giá cao nhưng rất nhiều người đến hỏi mua, có lúc không đủ ếch để bán cho bà con.

Trong năm 2011 tới, ông quyết tâm mở rộng quy mô nuôi. Ông đã lựa chọn để lại hơn 200 con ếch cái và 100 con ếch đực. Trong 3 tháng sinh sản của ếch (từ tháng 3 đến tháng 6), ông sẽ tiến hành nhân giống trong 4 đợt, như vậy sẽ có gần 100.000 con để bán, hứa hẹn sẽ là mùa bội thu của gia đình ông. Hiện tại, ông vẫn còn giữ lại 15 con ếch giống, mỗi con nặng trên 700 g, ông để lại nhân giống cho vụ sau.

Như vậy, mỗi năm thu nhập từ nuôi và nhân giống ếch của gia đình ông Khẩu là hàng chục triệu đồng. Nếu so với các nông dân sản xuất giỏi thì số tiền ấy chưa là bao, nhưng đó là một nguồn thu hấp dẫn đối với nhiều hộ không có đất canh tác. Ông càng hạnh phúc hơn khi có thể chăm lo cho đứa con gái được học hành đến nơi đến chốn và sống vui bên đứa cháu nội của mình. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của ông là thiếu nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Để nhân giống với số lượng lớn đòi hỏi phải có nhiều vốn mua thức ăn, thuốc, lồng... Dù vậy, ông không hề chán nản mà trái lại ông càng quyết tâm trong năm nay sẽ tham gia Hội Nông dân để tranh thủ nguồn vốn đầu tư, phát triển mô hình đang ăn nên làm ra của mình và nhân rộng giúp cho bà con trong ấp có cuộc sống ngày càng tốt hơn.