00:00 Số lượt truy cập: 3080669

Mua 1 triệu tấn gạo giúp dân 

Được đăng : 03/11/2016
Nhiều DN nước ngoài nhảy vào chào giá gạo của Việt Nam rất thấp hòng phá giá. Giá tụt nhanh chóng khiến hàng triệu nông dân "toát mồ hôi"... VFA sẽ mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo để giải cứu tình thế.

Tại cuộc họp báo hôm qua (25.2), Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, Châu Phi không chịu mua mà chờ lúa đông xuân - vụ chính của Việt Nam - vào vụ thu hoạch rộ để giá xuống. Ngay từ tháng 3, VFA sẽ mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo để giải cứu tình thế. 

Nông dân “ngồi trên lửa”

Theo VFA, ĐBSCL đang vào cao điểm thu hoạch rộ lúa đông xuân, nhưng giá lúa đang tụt dốc nhanh chóng. Giá mua tại kho lúa khô đạt chất lượng xuất khẩu hiện chỉ 4.300- 4.400 đồng/kg, nhưng giá bán nông dân tại ruộng chỉ ở mức 4.200 đồng/kg, giảm gần cả 1.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán. Cá biệt có nhiều địa phương, giá tụt chỉ còn 4.000 đến 4.100 đồng/kg như vùng Tứ giác Long Xuyên.

Theo tính toán, giá thành vụ đông xuân hiện khoảng 2.200 đồng/kg thì với giá bán trên, dân vẫn có lời trên 30%. Oái oăm, giới thương lái (80% DN mua lúa cho dân qua hệ thống thương lái) lại đang “án binh bất động” bởi giá gạo xuất khẩu đang biến động theo chiều hướng xấu, nếu mua lúa cao, bán cho DN thì lợi nhuận không bù đủ tiền xăng dầu chạy ghe thu mua nên họ... nằm chờ những chính sách đảm bảo lợi các bên.

Vụ đông xuân là vụ chính cho sản lượng gạo xuất khẩu của DN nói riêng, của Việt Nam nói chung. Với nông dân, vụ này là nguồn thu để chi phí đời sống, sản xuất của cả năm. Nên với tình hình trên, nông dân như “ngồi trên lửa”.

Doanh nghiệp ngoại tìm cách quấy giá gạo

Ông Phạm Văn Bảy (Phó Chủ tịch VFA) cho hay, trong bối cảnh trên, tình hình xuất gạo lại có dấu hiệu u ám, khiến ngay cả DN và nhà quản lý cũng... chung xuồng với nông dân.
Châu Phi là thị trường xuất khẩu chiếm gần 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu (gần 2 triệu tấn) của Việt Nam dù có nhu cầu lớn, nhưng lại im lìm nhằm chờ giá gạo Việt Nam xuống thấp khi vụ đông xuân thu hoạch rộ, nông dân buộc phải bán ra ồ ạt với giá hạ vì áp lực nợ ngân hàng và các Cty bán trước phân bón, thuốc BVTV...

Còn Philippines hiện chưa đưa ra tiêu chuẩn cho đợt đấu thầu 600.000 tấn gạo sẽ mở thầu vào tháng 3.2010. Iraq chưa công bố Việt Nam (Tổng Cty Lương thực Miền Bắc tham gia đấu thầu) có trúng gói thầu 120.000 tấn đã đấu trước đó hay không.

Nông dân “ngồi trên lửa”với điệp khúc được mùa mất giá.  


Trong khi đó, hợp đồng xuất khẩu thương mại của các DN lại rất ít, tính từ đầu tháng đến ngày 23.2 chỉ hơn 2,4 triệu tấn, giảm gần 1 triệu tấn so với thời điểm này năm 2009. Lượng gạo phải giao hàng sắp tới khoảng hơn 1,8 triệu tấn trong khi lượng tồn kho tới trên 1,5 triệu tấn. Như vậy nếu chỉ mua khoảng 300 tấn để đảm bảo hợp đồng xuất khẩu đã ký thì sẽ có gần 2,7 triệu tấn trong tổng 3 triệu tấn gạo hàng hóa vụ đông xuân đang thu hoạch sẽ tồn ứ, dễ khiến nông dân lâm nạn.

Gạo xuất khẩu Việt Nam lại thêm phần khó khăn, khi nhiều DN nước ngoài (xin chưa nêu tên) rao bán gạo của ta với giá thấp thê thảm, khiến DN trong nước cũng như thương lái thêm hoang mang, không dám mua vào cho dân.

“Mục đích của những DN này nhằm phá giá gạo xuất khẩu Việt Nam. Chúng tôi sẽ báo cáo với Bộ Công thương và bàn bạc với các DN hội viên VFA để liên kết có giải pháp đối phó với “chiêu thức” bất hợp lý này!”. Ông Bảy nói!

Mua tạm trữ ngay 1 triệu tấn gạo

Để giải tỏa tình huống trên, VFA cho hay ngay từ tháng 3.2010, sẽ có 30 DN là thành viên VFA bắt đầu thu mua 1 triệu tấn gạo dự trữ để bình ổn giá lúa vụ đông xuân. Đây là những đơn vị có khả năng tài chính, có kho chứa lớn, có năng lực xuất khẩu và được Chính phủ hỗ trợ lãi suất để thu mua lúa của người dân.

Dự kiến hết tháng 3.2010, sẽ có 30 DN phải mua được 600.000 tấn gạo và 400.000 tấn còn lại mua trong tháng 4, vừa đúng thời điểm nông dân ĐBSCL kết thúc thu hoạch vụ đông xuân. Giá thu mua tại kho sẽ không dưới 4.000 đồng/kg để đảm bảo nông dân có lời 30% theo quy định của Chính phủ.

Trước lo ngại, mua tạm trữ nhưng nếu lúc bán giá tụt, DN thua lỗ, ông Bảy cho rằng, điều này không đáng lo ngại. Bởi sau lần điều chỉnh tỉ giá USD mới đây, DN xuất khẩu có lợi. Hơn nữa, do ảnh hưởng thời tiết, mất mùa nên khả năng vào quý II sẽ có nhiều nước có nhu cầu gạo, tất yếu sẽ có biến động thuận lợi giá cho gạo xuất khẩu Việt Nam.

Trước mắt, để tránh việc làm mất giá trị gạo Việt Nam sau này, VFA sẽ kiên quyết không hạ giá gạo xuất khẩu xuống (hiện gạo Việt Nam đang được chào giá 440USD/tấn loại 5% tấm, vẫn thấp hơn Thái Lan gần 100 USD/tấn). VFA cũng quyết định kể từ nay những DN nào bán phá giá sẽ đề nghị ngành chức năng cấm xuất khẩu.