Ấm áp nghĩa tình 2 ngày cuối tuần, trở lại nhiều vùng rốn lũ, nhìn những ruộng lúa chín mọng ngã rạp và hạt nẩy mầm trắng đất mà không khỏi xót xa. Có còn hơn không, bà con nông dân vẫn phải tất tả ra đồng để vớt vát lại cái ăn. Tuy nhiên, một mình họ thì không đủ sức. Thấu hiểu nỗi vất vả và mất mát ấy, ngay sau khi lũ rút, rất nhiều đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và Quân khu 5 đã lập tức đưa quân về các địa phương hỗ trợ nông dân khẩn trương thu hoạch những diện tích bị hư hại nặng nề. Lội trên nhiều đồng đất, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những người lính cụ Hồ áo đẫm mồ hôi, tay thoăn thoắt cắt, chân đạp máy tuốt cành cạch, rồi vội vả vác những bao lúa ướt sũng nước đi tìm chỗ phơi. Từ Đại Lộc, xuống Điện Bàn, vào tận Phú Ninh, nơi nào bộ đội cũng làm việc với cường độ rất cao. Bởi, hơn ai hết, họ hiểu rằng, cứu lúa bây giờ như... cứu hỏa.
Nắng như đổ lửa, đã gần 12 giờ trưa nhưng cánh đồng lúa thôn Phước Mỹ 3, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam vẫn còn dày đặc những tấm áo lính. Bụng đói nhưng các chiến sĩ của Tiểu đoàn 3 thuộc Trường Quân sự Quân khu 5 vẫn cứ dầm mình trong dòng nước đục ngầu để vớt lúa. Binh nhì Cầm Ngọc Sơn thổ lộ: “Từ Hoà Cầm (Đà Nẵng) đơn vị chúng tôi hành quân về đến đây lúc mờ sáng. Chưa kịp nghỉ ngơi là tất cả chạy thẳng ra đồng. Thương cho nông dân thật, ruộng lúa nào cũng mọc mầm như giá, mệt mấy cũng phải giúp bà con gặt về nhà càng sớm càng tốt. Lúa hư kiểu này chắc tết buồn lắm đấy”. Dứt lời, Sơn lại lao vào công việc cùng với đồng đội. Là thương binh loại 1 (bị mất một chân) ông Nguyễn Xuân Chiến (thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước) đành bất lực nhìn 3 sào lúa nằm bẹp đất. Ai cũng lo phần nấy, không mượn được công vì vậy chỉ một mình người vợ đau ốm liên miên của ông đánh vật với ngần ấy diện tích. May thay, ngay lúc khó khăn đó, 3 chiến sĩ của Trường Quân sự Quân khu 5 đã tìm đến hỗ trợ cho vợ chồng người thương binh nặng ấy. Trao đổi với Kinh tế nông thôn, ông Phạm Đình Xuân, Phó Phòng NN &PTNT Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: Từ ngày 11/9 đến nay, nhờ được các đơn vị quân đội chi viện khẩn cấp 400 quân nên tiến độ thu hoạch lúa tại nhiều vùng rốn lũ của huyện, như Duy Vinh, Duy Phước, Duy Trung, Duy Sơn, Duy Châu, Duy Hoà... không còn diễn ra chậm chạp như trước. Theo ông Xuân, tính đến thời điểm này, trong tổng số 1.700 ha lúa chín rộ bị ngã đổ, ngập úng nặng thì hơn 600 ha đã thu hoạch xong. Cần nói thêm, với phương châm phải giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lũ gây ra, mấy ngày gần đây, tại rất nhiều nơi, lãnh đạo các địa phương cũng đã huy động rất nhiều cán bộ, viên chức đồng loạt ra quân hỗ trợ nhân dân vùng lũ thu hoạch lúa và hoa màu vụ hè thu. Điển hình như, tại Phú Ninh, cán bộ, viên chức của không ít cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã quyết định đóng cửa làm việc ngày thứ sáu (11/9) và dành trọn 2 ngày nghỉ cuối tuần để tiếp sức cho người dân ở những vùng bị thiệt hại nặng, như xã Tam Đàn, Tam An, Tam Lộc. Không chỉ vậy, những ngày này, trên nhiều đồng đất Quảng Nam, hàng trăm đoàn viên thanh niên cũng cùng xoắn tay nhặt nhạnh lại từng hạt lúa cho dân. Đi đến đâu tôi cũng thấy ngập tràn những bóng áo xanh tình nguyện.
Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN &PTNT Quảng Nam cho biết, nhờ rất nhiều lực lượng hỗ trợ nên đến 15 giờ chiều qua (13/9) nông dân toàn tỉnh đã thu hoạch được 45% trong tổng số gần 9 nghìn ha lúa bị ngập úng, ngã đổ (mất 30-60% năng suất). Theo ông Quang, nếu thời tiết thuận lợi thì giữa tuần này sẽ gặt xong toàn bộ diện tích bị thiệt hại như vừa nêu.
Nhà nông thêm khó Trong khi “đầu tắt mặt tối” với bộn bề khốn khó do mưa lũ gây ra thì nông dân Quảng Nam lại phải tiếp tục đối mặt với nguy cơ dịch bệnh trên vật nuôi lây lan trên diện rộng. 10 ngày trở lại đây, dịch lở mồm long móng đã tái bùng phát tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. ở thôn 2 (xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức) và thôn Bình Hiệp (xã Bình Phục, huyện Thăng Bình) đã có gần 60 con trâu, bò, heo bị mắc bệnh này. Theo bà Lương Thị Thuỷ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Nam thì, ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng cán bộ kỹ thuật của đơn vị đã nhanh chóng về hai ổ dịch vừa nêu để triển khai đồng loạt các biện pháp mạnh nhằm khẩn trương khống chế và dập tắt vi rút gây bệnh.
Tuy nhiên, nhiều người nhận định rằng, thời gian tới, nguy cơ dịch lở mồm long móng lây lan trên phạm vi rộng và các loại bệnh nguy hiểm khác tiếp tục tái phát trên gia súc, gia cầm là rất cao. Bởi, diễn biến phức tạp của thời tiết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh trỗi dậy. Đặc biệt, theo tìm hiểu của chúng tôi, chính công tác tiêm vắc xin phòng dịch cho vật nuôi trong thời gian qua diễn ra rất ì ạch là vấn đề cốt lõi khiến mối lo càng thêm lớn. Thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp, tính đến thời điểm này, tổng đàn gia súc của tỉnh Quảng Nam khoảng 897.000 con (heo 580.000 con, bò 235.000 con, trâu 82.000 con) và hơn 3, 3 triệu con gia cầm các loại. Thế nhưng, kết thúc đợt 1-2009, tỷ lệ gia súc, gia cầm được tiêm vắc xin phòng dịch chỉ đạt 20-30% con số vừa nêu. Vì vậy, khả năng miễn dịch của vật nuôi là cực kỳ thấp. Cần nói thêm, đây không phải là lần đầu tiên mà suốt nhiều năm nay tỷ lệ vật nuôi được tiêm vắc xin cũng luôn “khiêm tốn” như vừa đề cập. Vì thế mà năm nào Quảng Nam cũng trở thành “điểm nóng” của dịch bệnh. Chẳng biết cái vòng luẩn quẩn ấy bao giờ mới chấm dứt? Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ông Nguyễn Ngọc Quang đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải quyết liệt chỉ đạo ngành liên quan và chính quyền các địa phương tập trung cao độ cho công tác tiêm phòng, đảm bảo tỷ lệ đạt hơn 70% tổng đàn. Cạnh đó, nhất thiết phải triển khai phun tiêu độc, khử trùng trên phạm vi rộng một cách thường xuyên... |